Top

“Mắc kẹt” vì hợp đồng góp vốn

Cập nhật 02/08/2012 16:00

Khi các chủ đầu tư vẫn tiếp tục loay hoay tìm nguồn vốn, số lượng dự án bỏ hoang được phát hiện ngày một nhiều thì cũng có nghĩa lượng khách hàng “mắc kẹt” vì hợp đồng góp vốn cũng không ngừng gia tăng.

“Dài cổ” chờ nhà

Khác với không khí ảm đạm của thị trường BĐS phía Bắc, một số khách hàng của các dự án đang “sục sôi” vì tiền đã nộp nhưng nhà vẫn không thấy đâu khi mua nhà bằng hình thức hợp đồng góp vốn.

Sáng ngày 30-7, nhiều khách hàng chung cư Nam Xa La đã tập trung tại trụ sở văn phòng chủ đầu tư để yêu cầu làm rõ thông báo nộp tiền đợt 3 không đúng với hợp đồng góp vốn và lời cam kết đã hứa trước đó.

Phối cảnh dự án Nam Xa La.

Dự án chung cư Nam Xa La do liên danh gồm CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Hà và CTCP Đầu tư và Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCOINS) làm chủ đầu tư. Các căn hộ tại đây đã bán cho khách hàng theo hình thức hợp đồng góp vốn từ năm 2009 và theo điều khoản trong hợp đồng góp vốn, thời hạn bàn giao công trình là đầu quý II-2012.

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 7-2012, nhà đầu tư vẫn chưa được ký kết hợp đồng mua bán với chủ đầu tư và dự án mới đang thi công sàn mái của tầng 3. Sau nhiều lần bị chủ đầu tư thất hứa và hợp đồng mua bán vẫn chưa được ký, phần đông khách hàng đã hết kiên nhẫn. Mặc dù chủ đầu tư đã hứa sẽ thu tiền đợt 3 sau khi ký xong hợp đồng mua bán nhưng không ít khách hàng vẫn tỏ ra lo ngại về khoản tiền mình đã bỏ ra.

Nam Xa La không phải là dự án đầu tiên ở Hà Nội khiến khách hàng “ngồi trên đống lửa” vì lỡ góp tiền mua nhà theo hình thức hợp đồng góp vốn. Một dự án khác của chủ đầu tư này là Phúc Hà City cũng đang khiến khách hàng bức xúc vì chậm tiến độ.

Ngoài ra, tại Hà Nội có hàng trăm dự án khác cũng đang án binh bất động dù thời hạn khởi công đã qua rất lâu. Điển hình có thể kể đến một số dự án như chung cư 34 Cầu Diễn, Hanoi Time Towers, Tricon Towers, Mê Kông Plaza, Tây Thiên Minh…

Những dự án này đều chậm tiến độ, thậm chí một số dự án phải giao nhà trong năm 2012 nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành xong phần móng để huy động vốn theo đúng luật rồi “đắp chiếu”, khiến hàng trăm nhà đầu tư tập trung đòi chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại và muốn rút vốn.

Bên cạnh đó, với hàng loạt dự án bỏ hoang dọc các trục đường như Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 32… mà biển báo tên dự án thậm chí còn biến mất, số lượng nhà đầu tư phải “chôn” vốn ở đây chắc chắn không phải ít.

Bắt đầu “thất sủng”

Rủi ro quá lớn vì mua bán nhà trên giấy cộng thêm hàng loạt dự án BĐS giá rẻ liên tục chào hàng và một số dự án đã hoàn thành cũng có mức giá phải chăng đã khiến cho loại hình góp vốn mua nhà đang dần bị “thất sủng”.

Ngoài số khách hàng đã bỏ vốn từ vài năm trước và buộc phải rút vốn về hoặc theo tới cùng, phần đông khách hàng có nhu cầu mua nhà hiện nay đều e ngại và không mặn mà với hình thức này.

Trên thực tế, việc các chủ đầu tư “hứa hão” với khách hàng về thời điểm giao nhà không còn xa lạ trên thị trường BĐS. Thậm chí vài năm trước, đã có những vụ kiện tụng ầm ĩ của khách hàng về việc chủ đầu tư phải đền bù hợp đồng khi không đúng tiến độ.

Theo nhiều chuyên gia, tại thời điểm hiện nay, việc chậm tiến độ chắc chắn sẽ còn xảy ra đối với phần lớn dự án bởi các chủ đầu tư quá khó khăn về vốn: vốn vay từ ngân hàng bị hạn chế, vốn huy động từ dân suy yếu do lòng tin của người dân bị giảm sút. Đặc biệt, lượng hàng tồn kho còn quá lớn không thể quay vòng vốn.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của hơn 60 doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn chứng khoán, lượng hàng tồn kho BĐS rơi vào khoảng hơn 83.804 tỷ đồng, tăng 6,69% so với cuối năm 2011. Số BĐS tồn kho đang chiếm tới 45,84% tổng tài sản của các doanh nghiệp này.

Điều đáng chú ý là 6 công ty lớn nhất của thị trường BĐS hiện nắm giữ 69,4% lượng tiền mặt, phần lớn doanh nghiệp còn lại nắm rất ít. Hiện tổng lượng tiền mặt cuối quý II-2012 không đủ để thực hiện chi trả cho khoản chi phí gồm lãi vay, thanh toán cho nhà thầu và các khoản khác.

Điều này cho thấy phần lớn doanh nghiệp không còn tiền mặt để hoạt động. Để có tiền thanh toán những khoản nợ, chắc chắn các doanh nghiệp phải đẩy nhanh việc thu hồi công nợ, giải phóng lượng hàng tồn kho, thanh lý các khoản đầu tư ngắn hạn ở những lĩnh vực trái ngành...

Theo nhiều chuyên gia BĐS, đây cũng là điều kiện để giá nhà còn xuống thấp hơn nữa và ngày càng có nhiều dự án nhà giá rẻ được tung ra thị trường. Điều này có nghĩa cơ hội lựa chọn của người dân sẽ cao hơn, tránh tình trạng phải mua nhà trên giấy và từ đó cũng tránh được những rủi ro tiềm ẩn của loại hình góp vốn này.

DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC