Top

Nhà thầu nội, nhà thầu ngoại

Cập nhật 02/08/2012 10:10

Trong lĩnh vực tiêu dùng, người ta thường nói đến tình trạng “hàng ngoại lấn át hàng nội”, đối với một số dự án giao thông quan trọng cũng có chuyện tương tự, “nhà thầu ngoại chiếm thị phần của nhà thầu nội”.

Ví dụ: Ở ba dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, các nhà thầu nước ngoài trúng thầu khoảng gần 90% khối lượng xây lắp. Trong thời mở cửa, ở một góc độ nào đó không nên phân biệt nội hay ngoại, ai bảo đảm tốt hơn tiến độ và chất lượng công trình sẽ được lựa chọn. Qua đó, tạo điều kiện cho nhà thầu nội học tập, tiếp thu công nghệ và quản lý tiên tiến.

Thực tế dường như đang có chiều hướng ngược lại. Tình trạng chậm tiến độ từ dự án nội đang lây lan sang dự án sử dụng vốn ngoại chủ yếu do nhà thầu ngoại thi công. Nói chung, nguyên nhân “lụt” tiến độ của mọi loại dự án là do chậm bàn giao mặt bằng, thiếu vốn và nhà thầu yếu. Riêng đối với dự án sử dụng vốn ngoại thường không thiếu vốn, nhà thầu làm đến đâu được thanh toán đầy đủ đến đấy.

Còn nguyên nhân thứ ba thì sao? Giờ đây trong danh sách “nhà thầu yếu” đã bao gồm một số nhà thầu ngoại. Mặt mạnh nhất của họ là về tài chính, song trong thực tế vẫn bất cập, không “hoành tráng” như hồ sơ dự thầu. Về năng lực thi công càng rõ hơn.

Trên công trường xây dựng đường cao tốc, có gói thầu việc huy động thiết bị, phương tiện cũng như nguyên vật liệu ra hiện trường không đầy đủ, thậm chí chỉ đáp ứng được 50% yêu cầu và lực lượng quản lý hiện trường cũng thiếu. Khi thuê nhà thầu phụ, họ tìm đến đơn vị có giá rẻ, thiếu tính chuyên nghiệp. Không ít nhà thầu ngoại, giữa danh và thực đã bộc lộ khoảng cách khá rộng, song trên nhiều dự án họ vẫn là lực lượng chủ công...

Vì sao nhà thầu ngoại vẫn ở thế “thượng phong”? Về khách quan, quy định của một số nhà tài trợ có tính chất “phân biệt đối xử” thiếu công bằng đối với nhà thầu nội, nhất là nhà thầu doanh nghiệp nhà nước. Về chủ quan, sức cạnh tranh của nhà thầu nội còn hạn chế. Để khắc phục nguyên nhân chủ quan, phải hành động quyết liệt từ 2 phía: Cùng với nỗ lực vươn lên của nhà thầu, quản lý vĩ mô phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa thúc đẩy sự trưởng thành của nhà thầu nội. Ngoài ra, còn nhiều việc khác phải làm, đặc biệt là tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng để lựa chọn đúng nhà thầu đủ năng lực, sàng lọc các nhà thầu yếu, khích lệ các nhà thầu thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình...

Nên chăng, trong các báo cáo giao ban, sơ kết, tổng kết của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp, nên bổ sung thêm phần đánh giá những việc làm và kết quả cụ thể góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các nhà thầu nội. Bởi vì, trong nền kinh tế thị trường, nó là thước đo thực chất nhất để đánh giá sự phát triển của ngành xây dựng giao thông, chứ không phải là mức độ hùng vĩ của các công trình hay số lượng đồ sộ của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực này.

DiaOcOnline.vn - Theo Giao Thông Vận Tải