Top

Lý giải nguyên nhân khan hiếm nhà giá rẻ

Cập nhật 15/09/2016 11:16

Càng về cuối năm, nhu cầu nhà ở càng tăng mạnh, đặc biệt là phân khúc nhà vừa túi tiền. Tuy nhiên, nguồn cung của phân khúc này đang ngày càng hiếm.

Trên thị trường Hà Nội hiện nay, số lượng dự án nhà ở có giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ảnh: Dũng Minh

Cách đây hơn 2 năm, khi thị trường bất động sản còn trầm lắng, phát triển các dự án nhà ở vừa túi tiền được coi là “cứu cánh” của nhiều doanh nghiệp địa ốc. Với mức giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn, được vay vốn hỗ trợ đến 50%, thậm chí 70 - 80% giá trị căn hộ, hầu như các dự án được mở bán trong giai đoạn này đều được bán hết chỉ trong một thời gian ngắn.

Thời điểm đó, số lượng các dự án bất động sản giá rẻ được bung ra lên tới hàng chục nghìn căn, trong đó đáng kể là các dự án của đại gia Lê Thanh Thản. Ngoài ra, còn nhiều dự án của các chủ đầu tư khác như Geleximco, Phúc Hà Group...

Tuy nhiên, khi thị trường phục hồi, kéo nhiều nhà đầu tư trở lại, phân khúc nhà vừa túi tiền đã bị lu mờ trước phân khúc trung và cao cấp.

Cụ thể, theo dự đoán của Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở trong năm 2016 vào khoảng 60.000 - 80.000 căn từ nhiều dự án mới, trong đó phần lớn vẫn đến từ phân khúc cao cấp, với khoảng 70% tổng nguồn cung.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cảnh báo, nếu thực hiện hết các dự án bất động sản, thì có khả năng cuối năm 2016 và đầu năm 2017 sẽ dư thừa nguồn cung căn hộ cao cấp, nhưng thiếu nhà cho người thu nhập thấp.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê từ các đơn vị nghiên cứu thị trường trong suốt 2 quý vừa qua, số lượng dự án căn hộ thương mại có mức giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn tại Hà Nội mở bán không có nhiều.

Theo đánh giá của ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sàn giao dịch nhadat24h.com, ngoài lý do về việc nhiều người đang tỏ ra lo ngại vì tình trạng kém chất lượng của những chung cư giá rẻ, thì nguyên nhân nữa khiến các dự án nhà ở giá rẻ khan hiếm trong thời gian vừa qua là do sự tác động của các chính sách, đặc biệt là chính sách tín dụng. Trong đó, có thể coi việc gói 30.000 tỷ đồng bị tạm ngừng giải ngân và dừng ký vay mới đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý chung của cả nhà đầu tư, lẫn người mua nhà.

Trong khi người mua nhà chờ đợi chính sách hỗ trợ mới để có thể tiếp cận dễ dàng trong việc sở hữu một căn nhà, thì với các chủ đầu tư, việc thay đổi về mặt chính sách là một “rủi ro tiềm ẩn”, khiến doanh nghiệp phải tính toán lại kế hoạch triển khai các dự án nhà ở giá rẻ.

Ngoài ra, hiện tại, người mua nhà đã “khó tính” hơn rất nhiều. Nếu muốn hút khách, chỉ có cách đầu tư thêm hạ tầng, tiện ích. Trong khi đó, nếu đầu tư như trên, có thể thêm thắt chút đỉnh, thành dự án trung và cao cấp, khi đó khả năng hồi vốn sẽ cao hơn nhiều. Đó là lý do nguồn cung căn hộ ngày càng khan hiếm.

Ông Quỳnh cũng thừa nhận, tại khu vực cửa ngõ phía Nam thủ đô, trong thời gian qua, Dự án Tứ Hiệp Plaza là dự án duy nhất chuẩn bị mở bán có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2. Đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành phần móng bằng vốn tự có, nhưng vẫn chưa dám mở bán, vì lo ngại những rủi ro.

Ở một góc nhìn khác, đại diện một sàn giao dịch bất động sản trên đường Hoàng Minh Giám (quận Cầu Giấy) cho biết, hiện tại Hà Nội, không phải không có dự án dưới 1 tỷ đồng, nhưng những dự án này chưa có hạ tầng đồng bộ, nên những người có nhu cầu ở thực không thể mua. Hơn nữa, các dự án này cũng chưa biết đến bao giờ xong để có thể bàn giao nhà cho người dân, khiến khách hàng không dám xuống tiền.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản