Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (thuộc Bộ Xây dựng) nhận định có nhiều nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Giá nhà, đất ở nhiều địa phương tăng mạnh trong hai tháng đầu năm 2021. Ảnh: TL
Dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thiên tai trong năm 2020 nhưng giá nhà, đất thời gian qua, đặc biệt là hai tháng đầu năm 2021 vẫn tăng mạnh. Trong đó, có những khu vực giá nhà, đất tăng trên 10% so với thời điểm đầu năm 2020…
Toàn cảnh thị trường nhà, đất
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS) vừa có thông tin về diễn biến thị trường BĐS năm 2020 và hai tháng đầu năm 2021.
Theo đó, đơn vị này nhận định dù năm qua có nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh, thiên tai nhưng nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng. Riêng ngành BĐS đóng góp khoảng 4,42%.
Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cũng cho biết: Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã có nhiều báo cáo và đề xuất Thủ tướng về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở đô thị và công nhân khu công nghiệp.
Đồng thời, bộ cũng tiến hành đôn đốc các địa phương báo cáo tình hình phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh BĐS. Tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện dự án BĐS cao cấp, sử dụng nhiều diện tích đất tại các địa phương trọng điểm; đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá, làm giá để trục lợi.
“Chính nhờ vậy, thị trường BĐS đã vượt qua khó khăn, giữ được sự phát triển tương đối ổn định trong năm 2020 thể hiện qua các tiêu chí: Nguồn cung BĐS với số lượng dự án được cấp phép, dự án hoàn thành ổn định…” - Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho biết.
Để kéo giá nhà xuống trong điều kiện hiện nay đòi hỏi rất nhiều giải pháp từ nhiều bên. Việc điều hành thị trường BĐS hoạt động ổn định, bền vững tương tác cùng phát triển với nền kinh tế là nhiệm vụ quan trọng hơn cả. Một khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, thu nhập của người dân tăng, thị trường BĐS đa dạng về sản phẩm mua, thuê… sẽ đảm bảo cơ hội cho mọi đối tượng có nhu cầu.
Bà ĐỖ THỊ THU HẰNG, Giám đốc cấp cao, bộ phận nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội.
Nhiều lý do giá nhà, đất tăng
Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS nhận định nhà, đất tại nhiều địa phương tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể như khi dân số tăng, kinh tế phát triển, công nghiệp hóa - đô thị hóa nhưng nguồn cung chưa kịp đáp ứng dẫn đến lệch pha cung cầu.
Ngoài ra, do chuyển dịch dòng vốn đầu tư để đảm bảo an toàn khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh… Bên cạnh đó, do giới đầu cơ BĐS lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... gây nhiễu loạn thông tin để “thổi giá” nhằm thu lợi bất chính...
Giá cả thị trường nguyên, nhiên, vật liệu và chi phí đầu vào dự án BĐS tăng cũng là nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm BĐS tăng theo.
Ngoài các nguyên nhân trên thì còn một nguyên nhân khác khiến giá nhà, đất tăng đó là các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng hơn so với trước đây. Cụ thể, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 96/2019 về khung giá đất, các địa phương đã ban hành bảng giá áp dụng cho giai đoạn 2020-2024.
Theo đó, giá đất được các địa phương ban hành có mức tăng bình quân khoảng 15%-20% so với bảng giá đất giai đoạn năm năm trước. Điều này trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến giá nhà, đất bởi đối với một dự án BĐS thì chi phí về đất là một trong những chi phí đầu vào quan trọng, ảnh hưởng đến giá thành đầu ra của dự án.
“Tính bình quân, tại các khu vực đô thị, tiền sử dụng đất chiếm trên dưới 10% giá thành căn hộ chung cư, trên dưới 20%-30% giá thành nhà liền kề thấp tầng, trên dưới 50% giá thành biệt thự” - Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS phân tích.
Mặt khác, việc áp dụng khung giá đất, bảng giá đất mới tại các địa phương chưa lâu (sớm nhất là từ thời điểm 1-1-2020). Do đó, các sản phẩm chào bán ra thị trường thời gian qua chủ yếu được áp khung giá đất trước năm 2020.
“Do vậy, việc các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng hơn so với trước đây chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tăng giá nhà ở, đất ở của các dự án tại các địa phương trong năm 2020 và thời gian qua. Tuy nhiên, việc tăng giá đất cũng vẫn có phần tác động làm tăng giá BĐS trong thời gian tới, đặc biệt là giá nhà, đất của người dân tại các khu vực hiện hữu” - Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho hay.
Giải pháp ổn định thị trường bất động sản
Bộ Xây dựng cho biết để quản lý, ổn định thị trường BĐS, bộ đang tích cực nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm hàng hóa thị trường BĐS, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu thật của thị trường.
Trong đó, bộ đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2015 về phát triển, quản lý nhà ở xã hội.
Trong năm 2021, bộ sẽ nghiên cứu trình Quốc hội, Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS như: Rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2015, Nghị định 76/2015 và Nghị định 117/2015…
Bộ sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát thị trường BĐS, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin để làm giá, đẩy giá BĐS lên cao nhằm thu lợi bất chính….
DiaOcOnline.vn – Theo PLO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: