Top

FLC quyết kiện ngược Hòa Bình sau khi bị buộc thanh toán 277 tỷ

Cập nhật 11/03/2021 11:40

Tập đoàn FLC cho biết quyết định khởi kiện Hòa Bình sau khi bị tuyên phải thanh toán cho nhà thầu này hơn 200 tỷ đồng.

Ngày 9/3, TAND TP.HCM quyết định không chấp nhận yêu cầu của Tập đoàn FLC về việc hủy phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) chi nhánh TP.HCM liên quan đến tranh chấp hợp đồng thi công với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Phán quyết của VIAC ngày 14/11/2020 buộc FLC thanh toán cho Hòa Bình 235 tỷ đồng tiếp tục có hiệu lực và bắt buộc thi hành.

FLC kiện Hòa Bình, gửi đơn kiến nghị cấp cao hơn

Phản hồi về thông tin này, FLC cho biết không đồng tình với các phán quyết của VIAC cũng như TAND TP.HCM và quyết định khởi kiện Hòa Bình vào ngày 8/3. FLC thông tin lý do vụ kiện này để “tiếp tục làm rõ các vi phạm của Hòa Bình về tiến độ, chất lượng xây dựng tại một số hạng mục của dự án FLC Sầm Sơn, với tổng số tiền phạt cũng như bồi thường ước tính gần 80 tỷ đồng”.

Ngày 9/3, FLC cũng có đơn kiến nghị gửi lên TAND Tối cao và VKSND Tối cao do “nhận thấy có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng và vi phạm nguyên tắc công bằng trong hoạt động xét xử của VIAC và TAND TP.HCM".

FLC cho rằng nhiều nội dung, tài liệu và chứng cứ do tập đoàn này đệ trình đã “không được xem xét một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan và công bằng”.

Tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết cho rằng VIAC dựa trên một căn cứ duy nhất là “Thư xác nhận công nợ phải trả” để khẳng định FLC mặc nhiên công nhận nợ Hòa Bình khoản tiền trên là không đảm bảo nguyên tắc công bằng trong việc xem xét đánh giá toàn diện toàn bộ chứng cứ.

Theo FLC, thư xác nhận này được phát hành theo yêu cầu của kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm và con số chỉ là tạm tính. Ngay sau đó, FLC có công văn làm rõ thêm với Hòa Bình rằng con số chính xác cần được xác định trên hồ sơ quyết toán cuối cùng với sự thống nhất của hai bên, còn những số liệu tạm tính trước đó của cả hai bên đều vô giá trị.

Cũng theo FLC, VIAC và TAND TP.HCM cũng bỏ qua yêu cầu triệu tập công ty kiểm toán và kiểm toán viên trực tiếp thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2017, 2018, 2019 của FLC để làm rõ về giá trị của thư xác nhận nói trên và số dư nợ đối với Hòa Bình. Tập đoàn này cho rằng chứng cứ duy nhất của VIAC liên quan đến nghiệp vụ kiểm toán và cần chính đơn vị lập hoặc có chuyên môn về kiểm toán cho ý kiến nhưng VIAC bỏ qua kiến nghị này.

Tranh chấp giữa FLC và Hòa Bình liên quan đến hợp đồng thi công dự án FLC Sầm Sơn. Ảnh: FLC.

Quan điểm trái ngược giữa hai bên

Tranh chấp giữa FLC và Hòa Bình diễn ra nhiều năm chủ yếu liên quan đến việc hai bên chưa thống nhất được về giá trị quyết toán các hợp đồng thi công xây dựng công trình số 18/2014/HĐTC/FLC-HBC ngày 01/12/2014 (Hợp đồng 18) và hợp đồng số 57/2014/HĐTC/FLC-HBC ngày 15/10/2014 (Hợp đồng 57) xây dựng dự án FLC Sầm Sơn.

FLC cho rằng Hòa Bình đã vi phạm về mặt tiến độ, chất lượng thi công tại FLC Sầm Sơn. Theo FLC, một số sai sót của Hòa Bình tại dự án này gồm không bố trí đủ nhân công, sử dụng các nhà thầu phụ không đủ năng lực, thi công không giám sát chặt chẽ, nhiều hạng mục sai thiết kế.

Tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết thông tin đối chiếu giữa thời hạn mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng so với thời điểm tạm bàn giao công trình đưa vào sử dụng có xác nhận của đơn vị tư vấn, hạng mục Club House chậm ít nhất 114 ngày, hạng mục Trung tâm Hội nghị Quốc tế chậm ít nhất 110 ngày.

FLC cho biết đã buộc phải cưỡng chế Hòa Bình ngừng thi công, đồng thời chấp nhận thuê nhà thầu thứ ba để sửa chữa các sai sót và bù đắp việc chậm trễ do Hòa Bình gây ra.

Ngược lại, phía Hòa Bình cho biết để thực hiện 2 hợp đồng nêu trên trong 9 tháng, doanh nghiệp đã huy động tối đa nhân lực, vật lực để thi công liên tục, tăng ca kể cả dịp Tết Nguyên đán nhằm bảo đảm chất lượng và hoàn thành tiến độ gắt gao theo yêu cầu của chủ đầu tư là FLC.

Hòa Bình cho biết công trình đã kịp khánh thành và phục vụ cho sự kiện “Năm Du lịch Quốc gia” tại Sầm Sơn, Thanh Hóa được tổ chức vào tháng 7/2015.

Đến năm 2016, Hòa Bình gửi hồ sơ quyết toán cho Hợp đồng 18 và Hợp đồng 57. Sau đó, nhà thầu xây dựng này gửi rất nhiều công văn yêu cầu FLC phê duyệt hồ sơ quyết toán. Tập đoàn xây dựng này khẳng định “không nhận được sự hợp tác thiện chí từ phía FLC” và đã mất hơn 5 năm để giải quyết dứt điểm số tiền công nợ trên.

Song song với phán quyết của VIAC liên quan Hợp đồng 57, Hòa Bình cũng thắng kiện FLC tại TAND Quận Cầu Giấy TP. Hà Nội liên quan Hợp đồng 18. Bản án sơ thẩm ngày 4/9/2020 buộc FLC thanh toán 42 tỷ đồng cho Hòa Bình. FLC sau đó kháng cáo và vụ tranh chấp này đang tiếp tục được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm tại TAND TP Hà Nội.

Như vậy, theo các quyết định của TAND TP Hà Nội và VIAC, FLC phải thanh toán cho Hòa Bình gần 277 tỷ đồng.

DiaOcOnline.vn – Theo Zing