Lương của lãnh đạo doanh nghiệp BĐS cũng rất đỗi bình thường, nếu so với lương lãnh đạo ngành… ngân hàng.
Trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn, mức lương được cho là thấp của lãnh đạo doanh nghiệp BĐS cũng đang trở thành gánh nặng với không ít doanh nghiệp.
Lâu nay, chuyện lương, thưởng đối với lãnh đạo doanh nghiệp BĐS được nhà đầu tư hết sức quan tâm. Chính vì vậy, thông tin bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) nhận mức thù lao 7 triệu đồng/tháng và ông Nguyễn Quốc Cường, thành viên HĐQT QCG nhận mức thù lao 3 triệu đồng/tháng mới đây khiến nhiều người ngạc nhiên: Chả nhẽ, lương của lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS lớn lại “bèo” đến thế?
Thực tế, mức lương và thù lao của lãnh đạo, nhất là thành viên HĐQT doanh nghiệp BĐS niêm yết không quá cao. Bởi mức lương này được HĐQT đưa ra và được ĐHCĐ biểu quyết một cách minh bạch. Tuy nhiên, mức lương có thể thấp, nhưng mức thưởng và các chế độ ưu đãi khác của lãnh đạo các doanh nghiệp có thể rất cao, nếu như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Theo nghị quyết của các doanh nghiệp, mức thưởng của thành viên HĐQT và Ban kiểm soát thường được ấn định theo một tỷ lệ phần trăm nhất định trên lợi nhuận sau thuế (LNST) doanh nghiệp đạt được. Chẳng hạn, năm 2011, CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) thông qua nghị quyết chi trả thù lao, thưởng và chi phí hoạt động của HĐQT và Ban kiểm soát bằng 2% LNST. Song năm 2011, LNST của doanh nghiệp này chỉ đạt 30,6 tỷ đồng, hoàn thành 17,2% kế hoạch năm. Nếu chia theo tỷ lệ 2% LNST, mức lương, thưởng của HĐQT và Ban kiểm soát TDH là thấp.
Tại CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL), mức lương của HĐQT và Ban kiểm soát NTL năm 2011 theo nghị quyết ĐHCĐ là 1% LNST. Theo đó, năm 2011, mức lương cao nhất của thành viên HĐQT doanh nghiệp này là 21 triệu đồng/người/tháng.
Tại NTL, mức lương của HĐQT và Ban kiểm soát NTL năm 2011 là 1% LNST
Trong khi các doanh nghiệp BĐS niêm yết trả lương, thưởng lãnh đạo dựa trên kết quả kinh doanh (tỷ lệ phần trăm LNST), có kiểm toán nên rất minh bạch, thì các doanh nghiệp chưa niêm yết trả lương lãnh đạo bằng một khoản thỏa thuận cố định, cộng với những ưu đãi ít khi được công bố.
Một phó tổng giám đốc từng làm việc tại Tập đoàn Nam Cường cho biết, mức lương của ông khi đó là hơn 50 triệu đồng/tháng, mức lương của tổng giám đốc xấp xỉ 100 triệu đồng/tháng. Đối với lãnh đạo nhiều doanh nghiệp BĐS nhỏ, mức lương phổ biến trong khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng. So với mức lương cả tỷ đồng của không ít lãnh đạo ngân hàng, lương của lãnh đạo doanh nghiệp BĐS là rất thấp.
Tuy vậy, theo vị phó tổng giám đốc trên, chưa bao giờ ông thấy các giám đốc doanh nghiệp BĐS kêu ca hay xin nghỉ việc vì lương thấp. Bởi lẽ, việc có chức vị bao giờ cũng đi kèm với nhiều lợi ích. Ông lấy ví dụ, khi thị trường BĐS còn sốt nóng, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp BĐS mà ông biết, hầu như ngày nào cũng môi giới, mua bán BĐS. Với mỗi giao dịch thành công, số tiền chênh mà lãnh đạo doanh nghiệp thu được ít thì vài trăm triệu đồng, còn nhiều lên đến vài tỷ đồng.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hữu Cường, Tổng giám đốc CTCP Group Cường Phát, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho rằng, việc công bố lương và thu nhập của lãnh đạo doanh nghiệp BĐS là rất nhạy cảm, nên các doanh nghiệp thường bí mật. Tuy nhiên, mức lương phổ biến của lãnh đạo doanh nghiệp BĐS mà ông biết là dưới 50 triệu đồng/tháng. Với những người có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/tháng, đó là những vị trí lãnh đạo “khủng”, lãnh đạo những doanh nghiệp lớn.
Theo ông Cường, mức lương phổ biến khoảng 50 triệu đồng/tháng, đó là mức không cao. Vì thế, khi thị trường còn tốt, có khi lương lãnh đạo doanh nghiệp BĐS chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong thu nhập hàng tháng và chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Thế nhưng, trong bối cảnh thị trường BĐS quá khó khăn hiện nay, lương của lãnh đạo doanh nghiệp BĐS đã trở thành một gánh nặng tài chính với nhiều doanh nghiệp.
Vẫn theo ông Cường, tại các doanh nghiệp niêm yết, lương của lãnh đạo doanh nghiệp (thường là thành viên HĐQT) có thể được điều chỉnh theo kết quả kinh doanh (do thành viên HĐQT thường nắm phần lớn cổ phiếu của doanh nghiệp). Nhưng với những doanh nghiệp chưa niêm yết, khi thị trường khó khăn kéo dài, phần lương của lãnh đạo lại trở thành gánh nặng tài chính chủ yếu của doanh nghiệp. Vì thế, thời gian qua, nhiều ông chủ doanh nghiệp BĐS đã phải sa thải cả những lãnh đạo cao cấp để giảm thiểu chi phí hoạt động.
Ông Cường nhận xét, tình trạng sa thải các nhân sự cấp thấp, rồi đến sa thải các lãnh đạo cấp cao để tiết giảm chi phí đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp BĐS. Việc sa thải các lãnh đạo doanh nghiệp là việc cực chẳng đã. Tuy nhiên, hậu quả nó để lại là doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi thị trường khởi sắc trở lại.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: