Top

Các bộ, ngành di dời trụ sở:

“Đất vàng” dành cho ai?

Cập nhật 21/05/2012 09:10


Trong thời gian tới, một số Bộ tiếp tục di dời ra khu Mỹ Đình và Tây Hồ Tây. Trong ảnh: Trụ sở Bộ TN&MT. Images: Thái Hà
Di dời trụ sở các bộ, ngành T.Ư ra khỏi trung tâm thành phố là chủ trương lớn của Chính phủ, nhằm giảm sức ép về dân số và giao thông cho nội đô. Thế nhưng, "đất vàng" nội đô sẽ được sử dụng ra sao khi các bộ, ngành di dời vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Khó xử với “đất vàng”

Với mục tiêu hướng tới tập trung thành một khu trung tâm chính trị - hành chính, giảm áp lực giao thông, cải thiện diện mạo đô thị và nâng cao vị trí quyền lực của các cơ quan công quyền, nhiều bộ, ngành đã hưởng ứng chủ trương di dời trụ sở ra khỏi nội đô. Đến nay, trụ sở mới của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ KH&CN đã lần lượt hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thời gian tới, các Bộ: Xây dựng, TN&MT, NN&PTNT, GTVT tiếp tục di dời ra khu vực Mỹ Đình và Tây Hồ Tây. Vậy, trụ sở cũ của các bộ, ngành này sẽ được xử lý thế nào?

Trụ sở Bộ Xây dựng tại 37 Lê Đại Hành.

Là những khu đất nằm ở các vị trí đắc địa của TP Hà Nội, như đường Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Chí Thanh…, các bộ, ngành phải di dời đều muốn được quyền quyết định đối với trụ sở cũ. Có bộ, ngành muốn giữ lại để các đơn vị trực thuộc tiếp tục quản lý, sử dụng, như Bộ KH&CN, Bộ TN&MT. Theo đại diện Bộ TN&MT, khi chuyển về trụ sở mới ở Mỹ Đình, Bộ vẫn muốn được tiếp tục sử dụng trụ sở ở đường Nguyễn Chí Thanh cho một số cơ quan hành chính sự nghiệp. Bởi, có những đơn vị trực thuộc bộ hiện đang phải đi thuê trụ sở.

Trong số các bộ, ngành phải di dời, Bộ Xây dựng và Bộ GTVT đã chính thức lên tiếng về việc sẽ bán trụ sở cũ để lấy tiền xây trụ sở mới. Có cơ quan muốn "xin" xây chung cư trên đất trụ sở cũ để dành cho CBCNV và để bán, như Thanh tra Chính phủ. Còn Bộ NN&PTNT dự kiến sẽ trả lại trụ sở để Chính phủ quyết định…

Giao lại cho Hà Nội?


Các khu đất vàng sẽ được sử dụng thế nào để không lãng phí tài sản của Nhà nước và đạt được mục tiêu giảm tải nội đô? Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc di dời trụ sở các bộ, ngành ra khỏi nội đô là cần thiết và hợp lý. Khi các bộ, ngành di dời, TP Hà Nội có nghĩa vụ cung cấp đất cho các cơ quan này theo quy hoạch. Và trụ sở cũ của các bộ, ngành cũng nên giao lại cho TP Hà Nội quản lý, sẽ tránh được tình trạng quy hoạch lộn xộn và nảy sinh hiện tượng tiêu cực.

Trụ sở Bộ Giao thông Vận tải tại 80 Trần Hưng Đạo.

"TP Hà Nội hiện đang thiếu bãi đỗ xe, công viên, sân chơi, trường học, nhà trẻ… Nếu những khu đất này giao lại cho Hà Nội quản lý, sẽ được giữ gìn, tôn tạo, sử dụng vào những mục đích có ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu những khu đất đó được Chính phủ cho phép bán, Bộ Tài chính sẽ là đơn vị trực tiếp đứng ra thẩm định giá", ông Liêm nói.

Đồng tình với chủ trương di chuyển trụ sở các bộ, ngành ra khỏi nội đô, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT đánh giá: Việc sử dụng trụ sở cũ của các bộ, ngành để làm gì, phải phụ thuộc vào quy hoạch của Hà Nội, phụ thuộc vào quy định của pháp luật về tài chính đất đai. Theo quy định, việc bán trụ sở của các bộ phải giao cho địa phương, tức là giao cho UBND TP Hà Nội tổ chức đấu giá. Đất sử dụng làm trụ sở của các bộ, ngành thuộc phạm vi quản lý công sản của Bộ Tài chính, phải có ý kiến của Bộ Tài chính.

“Theo quy định, bảng giá đất của UBND cấp tỉnh ban hành hàng năm chỉ được sử dụng để tính thuế và phí, không phải là giá đất để tính tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất phải được xác định thông qua đấu giá hoặc phải định giá phù hợp giá đất thị trường.”- GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị