Top

Luật Nhà ở sau hơn 3 tháng có hiệu lực: Vẫn chờ nghị định!

Cập nhật 17/10/2015 07:45

Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015 đã tạo điều kiện cho Việt kiều được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, những vướng mắc trong khâu chứng minh nguồn gốc phải được quy định chi tiết trong nghị định hướng dẫn khiến cho Việt kiều có nhu cầu mua nhà vẫn phải chờ văn bản pháp quy quan trọng này.

Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 4,5 triệu người, trong đó có hơn 2 triệu người sinh sống tại Mỹ. Khi Luật Nhà ở 2014 chính thức có hiệu lực, một bộ phận không nhỏ Việt kiều vui mừng trước cơ hội được sở hữu nhà tại Việt Nam, chuẩn bị cho kế hoạch về quê hương trong tương lai. Tuy nhiên, muốn sở hữu nhà, trước tiên Việt kiều phải có giấy chứng nhận nguồn gốc là người Việt Nam do một trong số các cơ quan có thẩm quyền cấp (theo quy định hiện nay là cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư). Căn cứ để xác nhận nguồn gốc bản thân của Việt kiều chủ yếu là giấy khai sinh, thẻ căn cước, tờ khai gia đình, CMND, hộ khẩu. Thế nhưng, do hoàn cảnh lịch sử, nhiều Việt kiều không còn giữ được những giấy tờ chứng minh nguồn gốc bản thân này. Nhiều trường hợp cơ quan Nhà nước hiện nay cũng không còn lưu giữ hồ sơ hộ tịch gốc của họ. Chính vì vậy, để chứng minh nguồn gốc người Việt theo quy định của Luật thực sự là khó khăn rất lớn đối với một số Việt kiều.


Dư luận rất quan tâm đến những thay đổi của Luật Nhà ở 2014

Tại hội thảo “Mở nút thắt cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam”, một Việt kiều cho biết: “Tôi rất vui mừng khi Luật Nhà ở 2014 được ban hành, đa phần Việt kiều đều mong muốn được trở về và được sở hữu căn nhà tại quê hương. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này luật đã không được phát huy tối đa hiệu quả vì sự chậm trễ trong việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện. Việc luật đưa ra những quy định, ràng buộc đối với người nước ngoài là cần thiết, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn về các thủ tục chuyển tiền, vay mua nhà”. Còn theo ông Robert Trần, Việt kiều Canada: Việt kiều rất quan tâm đến bất động sản ở Việt Nam. Họ có hai nhu cầu đó là mua sỉ và mua nhà nhỏ lẻ. Nhu cầu thì nhiều nhưng chúng tôi không thể thực hiện được vì quá khó khăn, lúng túng về các văn bản hướng dẫn thực hiện luật.

Góp ý gỡ nút thắt cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, một số chuyên gia bất động sản cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn luật cụ thể để cơ hội sở hữu nhà cho người nước ngoài được dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ và minh bạch. Các ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh chóng cho Việt kiều, người nước ngoài cũng như hướng dẫn cụ thể cho họ khi bán các bất động sản tại Việt Nam và chuyển tiền về nước sở tại. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng cần thống nhất hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài về việc chuyển khoản tiền mua nhà ở từ ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam để mua nhà; hoặc thủ tục vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở.

Để tạo thuận lợi cho Việt kiều mua nhà, hiện Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Nhà ở 2014. Tuy nhiên, trước khi nghị định này chính thức được ban hành, Việt kiều có nguyện vọng được sở hữu nhà tại Việt Nam vẫn phải… chờ.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động Thủ đô