Sau mỗi vụ cháy, nổ xảy ra tại các khu chung cư, câu hỏi đầu tiên nhiều người đặt ra là ai sẽ bồi thường thiệt hại cho cư dân? Câu trả lời tất nhiên là các DNBH, nhưng với điều kiện tòa nhà đã được ban quản trị hay chủ đầu tư mua bảo hiểm cháy nổ trước đó.
Trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ trong nhiều trường hợp đang bị đùn đẩy giữa chủ đầu tư và các hộ dân
|
Theo quy định, các tòa nhà chung cư là đối tượng phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Quy định rõ ràng là vậy nhưng phải đến khi xảy ra sự cố cháy, nổ, việc chung cư đó đã mua bảo hiểm hay chưa và mua bảo hiểm với các điều kiện bảo hiểm như thế nào mới được làm rõ.
Thực tế, đối với bảo hiểm cháy nổ nói chung và bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư nói riêng, các cơ quan nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có cơ sở nguy hiểm về cháy nổ. Chẳng hạn, Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 8/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; Thông tư 220/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010 hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; Thông tư liên tịch 214/2013/TTLT-BTC-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006; Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22/5/2012 quy định chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc...
Nhìn nhận về việc mua bảo hiểm cháy nổ đối với nhà chung cư nói chung, đại diện một DNBH phi nhân thọ cho biết, chủ đầu tư và ban quản trị các tòa nhà, khu chung cư ngày càng có ý thức và tích cực tham gia bảo hiểm, trong tình trạng số lượng các vụ cháy nổ gia tăng cùng sự phát triển ngày càng nhiều của các dự án chung cư, khu đô thị mới. Ngoài ra, một số ít hộ dân cũng chủ động liên hệ với các công ty bảo hiểm để tham gia bảo hiểm cháy nổ nhà tư nhân.
Tuy nhiên, dù một bộ phận cư dân, chủ đầu tư đã ý thức được sự cần thiết và trách nhiệm phải tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, nhưng vẫn còn khá nhiều chủ đầu tư và ban quản trị tòa nhà lại lơ là hoặc không tham gia bảo hiểm để tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí đóng góp.
Mặt khác, chế tài xử phạt và việc giám sát tuân thủ tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với các tòa nhà, khu chung cư từ cơ quan chức năng còn chưa khắt khe nên tình trạng không tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc vẫn tồn tại.
Đối với hộ gia đình, các khách hàng chưa tham gia bảo hiểm đa phần do chủ quan, không nhận thức hết mức độ thiệt hại và nguy cơ rủi ro cháy nổ đối với các tòa nhà, khu dân cư; cũng như chưa sẵn sàng chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí (phí bảo hiểm) để chuyển giao những rủi ro này cho các DNBH.
Thực tế cho thấy, một số vụ cháy nổ vẫn xảy ra tại các khu chung cư, tòa nhà cao cấp với điều kiện phòng cháy, chữa cháy tốt mà nguyên nhân là do sự bất cẩn, sơ ý của các cá nhân, hộ gia đình hoặc do sự cố bất ngờ.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng mới chỉ tuyên truyền, nhắc nhở chứ chưa áp dụng các hình thức xử phạt hành chính đối với các trường hợp phải tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo qui định của luật pháp, nên số lượng các hộ gia đình tham gia bảo hiểm cháy nổ còn hạn chế.
Chưa kể tới, trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ trong nhiều trường hợp đang bị đùn đẩy giữa chủ đầu tư xây dựng tòa nhà và các hộ dân đã được bàn giao nhà ở. Chủ đầu tư đôi khi né tránh trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho tòa nhà, còn hộ dân gia đình còn mơ hồ và chưa hiểu hết về ý nghĩa của loại hình bảo hiểm này.
Tuy nhiên, không phải cứ mua bảo hiểm hỏa hoạn cho nhà chung cư là được bồi thường tất cả khi có sự cố xảy ra. Đối với vấn đề thời sự như vụ cháy hầm xe chung cư Xa La tại Hà Nội vừa qua, cần phải lưu ý rằng, ngay cả khi ban quản trị chung cư đã mua bảo hiểm cháy nổ nhưng nếu không có điều khoản bổ sung trách nhiệm đối với tài sản trông giữ thì công ty bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm đối với những tài sản của chủ đầu tư. Xe gửi trong hầm không phải là tài sản của chủ đầu tư nên không thuộc phạm vi bảo hiểm của công ty bảo hiểm mà thuộc trách nhiệm của quản lý tòa nhà.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: