Top

Long đong tìm nhà trọ

Cập nhật 07/07/2009 11:05

Lực lượng thanh niên tình nguyện hướng dẫn các thí sinh và người nhà tìm nơi ở trọ.

Do không còn tin tưởng vào các trung tâm môi giới nhà trọ, nhiều sinh viên đã tự đi mò nhà và vô tình trở thành những con "gà béo" cho các "cò" ra sức "vặt lông". Nhiều sinh viên đã phải ngậm đắng, nuốt cay, khóc dở, mếu dở vì bị lừa.

Thẳng tay "chặt, chém"

Phương Lan, sinh viên Khoa Xã hội học Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội muốn tìm nhà ở khu Quan Nhân cho tiện việc học hành. Lan được người dân chỉ cho nơi có phòng trọ cho thuê. Đến nơi, Lan thấy biển "có phòng cho thuê" tại một quán nước. Hí hửng hỏi chủ quán, bà ta phát giá 200 nghìn đồng/lần đưa đi.

Không muốn ở nhà cũ do quá xa trường, Trần Thu Hằng, lớp Kinh tế môi trường, Trường ĐH Giao thông- Vận tải Hà Nội tìm nhà trên đường Nguyễn Khánh Toàn. Vụ tìm nhà cũng bị bà "cò" ngon ngọt lấy mấy trăm nghìn đồng. "Mình cứ tưởng họ chỉ lấy vài chục nghìn thôi không ngờ họ lại như thế. Mỗi tháng mẹ cho có triệu bạc, thế mà đã mất đứt 300 nghìn đồng", Hằng hậm hực.

Các khoản phí sinh hoạt, tiền nhà cứ ùa nhau tăng giá, sinh viên lại chịu cảnh bị "chém" trắng trợn. Bà "cò" tên Oanh ở ngõ Cự Lộc trên đường Nguyễn Trãi thản nhiên: "Thời buổi này cái gì cũng phải có tiền. Không ai cho không ai cái gì, đây cũng là nghề của chúng tôi mà". Ngoài việc trực tiếp "chặt, chém" sinh viên, các "cò" còn được hưởng phí của người cho thuê nhà. "Tôi phải trả tiền cho "cò" để họ giới thiệu sinh viên đến thuê. Tôi cứ nghĩ như vậy sinh viên sẽ không phải mất tiền, nào ngờ các cháu còn bị chặt gấp 4 lần phí của tôi. Như thế thật là quá đáng", bà Trần Thị Lợi, chủ nhà trọ ngõ 110, khu Đồng Xa, quận Cầu Giấy cho hay.

Tiền mất, nhà không

Nhiều sinh viên cứ nghĩ đã trả một khoản tiền công tìm nhà nên yên tâm đi theo những người mách mối, nhưng không ngờ kết quả nhận được hoặc không có cái nhà nào, hoặc chỉ là nhà không thể ở được.

Lòng vòng cả ngày, mất 200 nghìn đồng tiền phí cho "cò", vậy mà Nguyễn Thị Tươi, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội chẳng nhận được cái nhà nào. Tươi uất ức: "Ông ta nhận tiền rồi dẫn em quanh co khắp nơi. Em gặng hỏi thì ông ta cứ bảo đợi tí. Cuối cùng đến địa điểm đó thì người ta bảo hết nhà rồi. Thế có điên tiết không?". Vì không có giấy tờ cam đoan, cam kết gì nên Tươi đành ngậm đắng, vì có la lối, cãi vã cũng chẳng ích gì.

Thùy Vân, học năm thứ nhất, Khoa tiếng Pháp, Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội bực bội kể: Bà mách mối dẫn em đến Mai Dịch tìm nhà. Em cứ tưởng với giá 800 nghìn đồng sẽ được phòng đẹp. Ai ngờ bà ta dẫn đến một cái nhà cấp 4, đã vậy lại còn là khu của người lao động, chứ không phải khu của sinh viên. Vừa nhìn thấy mấy ông râu tóc bờm xờm, em hoảng quá, "bỏ của chạy lấy người".

Tiền mất mà không thuê được nhà, thậm chí có sinh viên còn rơi vào vòng nguy hiểm của "yêu râu xanh". Lan Dung, Khoa Kế toán, Trường ĐH LĐ&XH sợ hãi kể: "Em đi tìm nhà, gặp một "chú" nhận là đồng hương, chỉ nhận 100 nghìn đồng thôi, em thấy rẻ nên đồng ý đi theo. "Chú" ấy cứ nấn ná đến gần 1h chiều, rồi dẫn em đến một ngõ cụt vắng vẻ định dở trò khốn nạn, hoảng quá em cầm guốc tự vệ rồi bỏ chạy". Trường hợp của Lan Dung không phải là nhiều nhưng đó cũng là lời cảnh báo cho sinh viên khi đi tìm nhà.

Dù đã được cảnh báo về tình trạng lừa đảo thuê nhà trọ nhưng nhiều sinh viên vẫn mắc bẫy chỉ vì vấn đề nhà trọ đang thực sự nóng và không thể thiếu đối với họ. Tình trạng này đã tạo cơ hội cho các "cò" làm ăn... Tuy nhiên, không phải là không có cách để sinh viên tránh bị "tiền mất, tật mang". Nói như ông Nguyễn Đức Minh, tổ trưởng tổ dân phố số 5, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân thì: "Các sinh viên có nhu cầu tìm nhà cứ vào nhà dân mà hỏi, không sợ gì cả, chịu mất thời gian một chút. Vả lại dân trong khu, nếu biết nhà nào cần người đến thuê họ cũng mách thôi".

 

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới