Top

Loay hoay với 'đất vàng' giữa Thủ đô

Cập nhật 13/02/2012 10:10

Các bộ, ngành đã và đang di dời trụ sở để giảm tải cho nội đô Hà Nội. Nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều trụ sở dù đã di dời vẫn đang để trống, chưa biết chuyển nhượng cho ai và làm gì với những khu “đất vàng”.

Bộ Xây dựng muốn xây biệt thự tại “đất vàng” khi chuyển trụ sở.

Loay hoay không khéo lãng phí đất vàng


Chủ trương di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô được nhiều cơ quan ủng hộ. Đi đầu trong việc này là Thanh tra Chính phủ, đã chuyển đến đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài (quận Cầu Giấy) và Bộ Công An xây dựng trụ sở mới trên đường Phạm Hùng (Từ Liêm). Nhưng hiện tại, trụ sở cũ (đang trống) của Thanh tra Chính phủ trên phố Đội Cấn vẫn chưa có động tĩnh gì về công trình, dự án thay thế (dù bộ máy làm việc đã chuyển đi hết).

Tương tự như vậy, trụ sở của Tổng Cục Cảnh sát (Bộ Công An) tại 40 Hàng Bài vẫn đang hoạt động bình thường (dù trước đó Bộ Công An được Thủ tướng đồng ý cho phép bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thị trường của 2 khu đất ở đây để xây trụ sở mới).

Ngay lúc đó, một đại gia bất động sản “nhảy” vào dự kiến làm công trình hỗn hợp với các toà nhà cao 24m, 32m và 40m. Tuy nhiên, vì nằm trong hơn 200 dự án chờ phê duyệt của Thủ tướng nên đại gia kia vẫn án binh bất động.

Gần đây nhất, Ban quản lý dự án xây trụ sở Bộ Xây dựng đã thông báo mời nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng trụ sở làm việc mới của Bộ Xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT). Đây được xem là bước đi đầu tiên cho việc di chuyển các bộ theo chủ trương của Chính phủ.

Trước đó, tháng 10-2011, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương di dời trụ sở làm việc của Bộ Xây dựng về Khu đô thị mới Tây Hồ Tây và thực hiện dự án xây dựng trụ sở theo hình thức hợp đồng BT. Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, nguồn vốn để thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở mới sẽ gồm tiền đấu giá sử dụng đất, trụ sở làm việc cũ và nguồn vốn bổ sung từ ngân sách (trong trường hợp tiền đấu giá không đủ để xây dựng trụ sở mới).

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng thống nhất về chủ trương di chuyển trụ sở hiện nay của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ra khỏi trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên, thay vì đổi đất lấy hạ tầng trụ sở mới, khu đất gần 20.000m2 tại số 2 Ngọc Hà sẽ được đấu giá quyền sử dụng đất.

Chia sẻ vấn đề đất vàng trong nội đô sẽ được sử dụng vào mục đích gì để không lãng phí tài sản Nhà nước mà vẫn đạt mục tiêu giảm tải nội đô, TS. Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, về nguyên tắc, muốn thực hiện bất cứ điều gì đều phải theo quy hoạch.

Bộ Xây dựng muốn xây biệt thự cao cấp


Ông Nguyễn Quang Nam - Trưởng ban quản lý dự án xây trụ sở Bộ Xây dựng cho biết: “Bộ Xây dựng là đơn vị đầu tiên công bố đấu giá đất. Nhiều bộ, ngành khác tuy di chuyển rồi, nhưng chưa đề cập việc xử lý đất cũ. Vấn đề là khi xử lý cái đất ấy thì sao cho nó vừa đạt được hiệu quả kinh tế vừa đạt cả lợi ích xã hội. Giả sử những khu đất vàng nằm trong nội đô mà cứ bán cho nhà đầu tư để xây nhà cao tầng thì sẽ thu được nhiều tiền ngay.

Nhưng sẽ phản tác dụng vì mục đích di dời trụ sở các bộ để giảm tải cho nội đô. Nếu tất cả khu đấy di dời dành làm vườn hoa thì tính khả thi (của việc di dời) không có. Bởi làm vườn hoa phải có ngân sách, không có chủ đầu tư nào bỏ tiền vào đó xây dựng (vườn hoa). Như vậy, đã không có tiền làm vườn hoa, lại không có tiền xây trụ sở mới”.

Ông Nam kiến nghị giải pháp: Khu đất trụ sở Bộ Xây dựng ở 37 Lê Đại Hành với diện tích gần 13.000 m2 có thể làm biệt thự và sẽ bán được giá.

“Rõ ràng đất biệt thự lớn, thưa người lại không thể kinh doanh. Như vậy có thể đảm bảo vấn đề kinh tế. Ngoài ra có thể dành một diện tích làm cây xanh, nhà trẻ...Bên cạnh đó, gần Bộ Xây dựng đang có phố Đội Cung bị tắc, mình làm dự án này mình kéo phố Đội Cung ra đường Hoa Lư thì giải quyết bài toán giảm tải về mặt giao thông. Bộ Xây dựng phải là đơn vị tiên phong, bộ khác mới làm theo được”, ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, mỗi khu đất ở vị trí khác nhau thì có bài toán khác nhau, không thể giải quyết vị trí khu đất vàng ở Bộ Xây dựng như ở Bộ Nông nghiệp hay cơ quan khác. Ông Nam cho biết, Bộ Xây dựng chắc chắn sẽ không cho phép nhà đầu tư đến xây nhà cao tầng tại nơi trụ sở cũ. Bởi vì khu vực xung quanh đã có nhiều nhà cao tầng, trong đó có tháp Vincom, có thể khiến cho khu vực này tắc nghẽn giờ tan tầm.

“Khai thác đất của Bộ Xây dựng sao cho góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư ở đấy, tuân thủ theo quy hoạch. Tất nhiên quy hoạch Hà Nội vừa rồi lại chưa chi tiết đến nơi này. Tuy nhiên, cố gắng đừng tăng một cách quá đáng số lượng dân cư vào đây thì mới đạt được mục tiêu ban đầu đề ra”, ông Nam nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong