Top

Loay hoay phương án "cứu" cầu Long Biên

Cập nhật 23/02/2014 07:15

9.000 tỷ và 3 phương án 'cứu' cầu Long Biên, Đất phân lô bán nền tự xây đắt khách, Hà Nội bắt đầu "sờ gáy" 727 dự án bất động sản… là những tin BĐS nổi bật tuần qua.

9.000 tỷ và 3 phương án 'cứu' cầu Long Biên

Bộ GTVT vừa đưa ra 3 phương án trong dự án bảo tồn cầu Long Biên làm dấy lên nhiều tranh cãi và lo lắng cho một di sản, một biểu tượng vắt qua 3 thế kỷ của thủ đô.

Phương án 1: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại và di dời 9 nhịp cầu phía Hà Nội về phía thượng lưu (cách cầu hiện tại 85m) để bảo tồn.

Phương án 2: Dỡ cầu Long Biên cũ và xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902.

Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.


Theo Bộ GTVT, cả 3 phương án này đều chiếm dụng đất của dự án khoảng hơn 60.000m2 và di dời hơn 600 nhà dân với chi phí giải phóng mặt bằng từ 867 tỷ - 989 tỷ đồng.

Chi phí xây dựng của 3 phương án lần lượt là 7.982 tỷ đồng, 9.094 tỷ đồng và 9.389 tỷ đồng.

Cả 3 phương án này hiện đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia xây dựng và các nhà văn hóa.

Theo GS Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cả 3 phương án trên của Bộ GTVT đều không ổn nếu xét từ góc nhìn di sản kiến trúc, di sản đô thị.

Trên Đất Việt, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào cũng cho rằng giải pháp bảo tồn tốt nhất cho cầu Long Biên là bảo tồn nguyên trạng.

Trả lời trên báo VTC News, nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - Giảng viên Khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, ông không đồng tình với cả 3 phương án khi tất cả các phương án đều đụng đến cầu Long Biên, một di sản quý báu của thủ đô và đặc biệt trên thế giới.

Đất phân lô bán nền tự xây đắt khách

Sau xu hướng săn tìm chung cư giá rẻ để được vay gói 30.000 tỷ đồng, thị trường Hà Nội đầu năm lại chứng kiến xu hướng mạnh mẽ của cả dân đầu tư và người mua nhà đi "săn" tìm đất nền được tự xây.

Sau khi nghe tin một số dự án trước đây buộc phải bán đất kèm nhà xây thô, nay được phép bán đất và người dân được tự xây dựng, nhiều người đã ngay lập tức đi tìm hiểu khắp nơi để chọn mua đất dạng này. Do nếu được tự xây dựng, giá có thể rẻ hơn chủ đầu tư xây tới 30%, tới cả 400-500 triệu đồng. Đó là chưa kể còn được thiết kế bên trong theo ý mình tránh đập đi xây lại lãng phí.


Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng dịch chuyển sang phân khúc đất nền tự xây là xu hướng tất yếu của thị trường trong lúc này. Bởi thực tế, hàng loạt các dự án ma xây xong không có người ở thời gian qua đã cho thấy sự lãng phí và tính chưa linh hoạt của chính sách. Trong khi đó, những người có nhu cầu ở thật lại không thể tiếp cận nổi do giá BĐS quá cao, một phần có sự đắt đỏ của giá xây thô.

Vì vậy việc thay đổi chính sách cho phép một số khu vực nhà đầu tư được phân lô bán nền, cho phép người dân được tự xây dựng sẽ khiến thị trường được điều chỉnh hợp lý. Doanh nghiệp có thể cắt giảm chi phí, hạ giá thành còn người mua tiết kiệm được hàng loạt những lãng phí trong xây dựng.

Bắt đầu "sờ gáy" 727 dự án bất động sản ở Hà Nội

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch kiểm tra 727 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố nhằm chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, việc sử dụng đất của các chủ đầu tư theo quy định của Luật Đất đai.


Đoàn kiểm tra sẽ tập trung thanh tra việc chậm thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư; để đất hoang hóa, không sử dụng trong 12 tháng liền kể từ khi bàn giao tại thực địa; tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với cam kết trong dự án đầu tư được phê duyệt; sử dụng sai mục đích đất được giao, thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án trái phép.

Đối tượng kiểm tra là các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn thành phố từ 1/1/2009 đến ngày 31/12/2013, trừ các dự án đã được các cơ quan chức năng thanh tra, kết luận, được UBND thành phố, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật; các cá nhân, hộ gia đình được UBND các quận, huyện, thị xã giao đất để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.

Đoàn thanh kiểm tra cũng sẽ tiến hành xác minh nghĩa vụ tài chính của các chủ đầu tư cũng như vi phạm các chính sách về đất đai khác.

Yêu cầu "khai" tiến độ hàng loạt dự án bất động sản

Bộ Xây dựng đã có công văn yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Sở Xây dựng thống kê tình hình triển khai, kinh doanh các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị mới báo cáo về Bộ Xây dựng để có số liệu báo cáo lên Thủ tướng.

Thời hạn báo cáo phải trước 28/2/2014.

Diện tích đất xây nhà liền kề tối thiểu 25m2

Bộ Xây dựng vừa công bố dự thảo Quy hoạch đô thị và thiết kế kiến trúc, cảnh quan để tháo gỡ những khó khăn về phát triển và quản lý đô thị.
Theo đó, dự thảo quy định đối với lô đất xây nhà ở cho khu vực mới mở, kích thước tối thiểu nhà liền kề là 25m2 (bằng diện tích tối thiểu căn hộ nhà ở xã hội).

Đối với nhà liền kề có sân vườn, chiều sâu tối thiểu của sân trước và sân sau (nếu có là 2,0m). Kích thước sân phải lấy thống nhất theo cả dãy nhà.

Nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng, quy định diện tích tối thiểu nhà liền kề quá nhỏ tạo ra những khu nhà siêu mỏng gây mất mỹ quan đô thị.

DiaOcOnline.vn - TheoVietnamnet