Top

Lo thiếu vốn làm metro số 1, TP.HCM tiếp tục 'cầu cứu' Bộ Tài chính

Cập nhật 07/11/2017 16:02

Sau khi gửi hàng loạt văn bản đến các bộ, ngành liên quan đến tiến độ dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, UBND TP.HCM tiếp tục có văn bản kiến nghị nhằm đảm bảo nguồn vốn cho dự án này.

Tuyến metro số 1. ẢNH: ĐỘC LẬP

Ngày 6.11, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục hỗ trợ giải ngân để hoàn trả tạm ứng cho ngân sách TP, nhằm giải quyết tình hình khó khăn về nguồn vốn ODA tại dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1).

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, dự án metro số 1 có tổng vốn 2,49 tỉ USD (hơn 47.000 tỉ đồng), được khởi công tháng 8.2012, dự kiến hoàn thành 2020. Metro số 1 dài gần 20km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương) vốn là dự án trọng điểm về hạ tầng, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM, góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông…

Tuy nhiên, nỗi lo dự án về đích không đúng tiến độ vẫn chưa hề “nguôi ngoai”, bởi nguồn vốn đối ứng từ phía VN dành cho dự án quan trọng này bị thiếu hụt. Hiện vốn dành cho metro số 1 chỉ đáp ứng 36% nhu cầu. Theo đó, năm 2017 dự kiến cần khoảng 5.400 tỉ đồng, nhưng mới giải ngân được hơn 2.100 tỉ đồng. Trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Trung ương phải bố trí gần 21.000 tỉ đồng, nhưng TP.HCM cũng mới được giải ngân 7.500 tỉ đồng (còn thiếu hơn 13.000 tỉ đồng).

Với nỗ lực đảm bảo tiến độ dự án đặc biệt quan trọng này, TP.HCM đã 3 lần phải tạm ứng vốn ngân sách với tổng số tiền 2.300 tỉ đồng để trả nợ nhà thầu metro số 1 trong khi chờ bổ sung kế hoạch vốn ODA từ Trung ương.

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, UBND TP.HCM đề nghị tiếp tục hỗ trợ việc giải ngân để hoàn trả tạm ứng cho ngân sách TP nhằm tháo gỡ từng bước tình hình khó khăn về nguồn vốn ODA cho dự án.

Về lý do đưa ra đề nghị, theo UBND TP.HCM, do kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương năm 2017 phân bổ cho các dự án của TP.HCM không đủ để thanh toán cho khối lượng hoàn thành trên công trường, dẫn đến nguy cơ đình trệ dự án.

UBND TP.HCM cho biết trong khi chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương năm 2017 cho dự án và để đạt mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2020, UBND TP đã tiếp tục tạm ứng vốn để giải quyết khó khăn cho dự án.

UBND TP.HCM cam kết chịu trách nhiệm chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM và các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm soát thanh toán chặt chẽ, đảm bảo không thanh toán trùng lắp và không làm tăng chi phí ngân sách nhà nước, thực hiện hoàn trả tạm ứng cho ngân sách TP ngay sau khi có kế hoạch vốn từ ngân sách Trung ương; không phát sinh các rủi ro về thanh toán cũng như làm tăng chi phí dự án.

Hiện vẫn còn một khoản thanh toán bằng tiền đồng VN với số tiền 422 tỉ đồng, UBND TP.HCM chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 9983/BTC-QLN ngày 27.7.2017. Theo đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của Bộ Tài chính tại công văn nêu trên để Bộ Tài chính kiểm soát và đề nghị JICA hoàn vốn cho ngân sách TP. Tuy nhiên đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa thực hiện giải ngân.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên