Hạ tầng sân bay Việt Nam nếu không nhanh chóng thay đổi để phát triển sẽ sớm trở thành “nút cổ chai” đối với phát triển du lịch nội địa và quốc tế.
Đón những du khách đến sân bay Đà Nẵng ngày 1.1.2019
Ảnh: TTXVN
|
TS Lương Hoài Nam phân tích: Cả nước hiện có 21 sân bay (chưa tính sân bay Vân Đồn mới đưa vào khai thác ngày 30.12.2018) với tổng công suất khoảng 75 triệu khách/năm, chỉ bằng công suất của một cảng hàng không lớn trong khu vực, như sân bay Changi của Singapore, sân bay Suvarnabhumi của Bangkok (trong khi Bangkok còn có sân bay cũ Don Mueang), sân bay KLIA của Kuala Lumpur. Thái Lan - quốc gia mà ngành du lịch VN đang lấy làm mục tiêu để đuổi kịp, có tới 38 sân bay, hơn gần gấp đôi chúng ta.
Đặc biệt, Tân Sơn Nhất - cảng hàng không quốc tế lớn nhất nước đã và đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng từ trên trời xuống mặt đất và trên các tuyến đường ra vào sân bay. Dù đã ban hành quyết định quy hoạch mở rộng sân bay nhưng tiến độ thực hiện còn khá chậm vì vướng nhiều khó khăn về vốn và thủ tục hành chính. Thời gian gần đây, các sân bay quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng đã được đầu tư thêm nhà ga quốc tế. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng vận tải hàng không nội địa, quốc tế cao, việc quá tải cũng sẽ sớm xảy ra ở các sân bay này.
Sự tăng trưởng của hàng không nội địa thể hiện rõ nét thông qua những con số doanh thu, lợi nhuận ấn tượng của các doanh nghiệp phục vụ trong ngành. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý 3/2018 của Vietjet Air, hãng hàng không tư nhân đầu tiên tham gia thị trường hàng không VN này ghi nhận lợi nhuận trước thuế lên đến 1.709 tỉ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau nhiều năm “kín tiếng”, Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific trong những ngày cuối năm cũng đã bất ngờ công bố tổng doanh thu cả năm 2018 dự kiến đạt 9.100 tỉ đồng, tăng trưởng 21% và có lợi nhuận, vượt kế hoạch 161 tỉ đồng. Nắm trong tay 21 cảng hàng không hiện hữu, Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) trong năm qua cũng ghi nhận sự tăng trưởng tốt với tổng doanh thu đạt 17.839 tỉ đồng, tăng 11% so với kế hoạch năm và tăng 18% so với năm 2017.
Không chỉ thương mại hàng không tăng trưởng, năm 2018 cũng chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của hạ tầng hàng không khi lần đầu tiên VN có một cảng hàng không quốc tế hiện đại được thực hiện bằng 100% vốn tư nhân - Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Ngay từ khi dự án bắt đầu được triển khai, hàng loạt nhà đầu tư lớn đã đổ về Quảng Ninh, hình thành nhiều khu tổ hợp vui chơi, giải trí, đưa Quảng Ninh nổi lên như một điểm đến mới hấp dẫn, thu hút 12,5 triệu lượt khách du lịch, vượt qua cả Đà Nẵng để ghi danh vào top 3 địa phương dẫn đầu về lượng du khách năm 2018.
Bên cạnh đó, một loạt dự án trọng điểm xây dựng, đầu tư tại các cảng cũng đã được ACV triển khai thực hiện như hai dự án tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất góp thêm cho Tân Sơn Nhất 37 vị trí đỗ máy bay và 1 đường lăn; mở rộng nhà ga hành khách Phú Quốc, xây dựng nhà ga hành khách T2 cùng hạ tầng sân đỗ máy bay đồng bộ tại 3 sân bay Cát Bi, Vinh, Phú Bài…
Nhưng với sự đột phá trong tăng trưởng về du lịch, hạ tầng hàng không đã và đang ngày càng quá tải. Nếu không nhanh chóng có chiến lược phát triển toàn diện thì nguy cơ hàng không trở thành “nút cổ chai” đối với du lịch là hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí trong ngắn hạn.
Diaoconline.vn – Theo Báo TN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: