Top

Lỗ hổng giám sát tập đoàn

Cập nhật 13/11/2010 11:15

Kết quả điều tra về quản trị doanh nghiệp nhà nước, giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước, do Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế (NC&QLKTTƯ) công bố ngày 12/11, đã “chỉ mặt” nhiều “lỗ hổng” đáng sợ.

Tình trạng dòng vốn đang “chạy” như thế nào trong các tập đoàn, tổng công ty, là “bí mật” với nhiều cơ quan quản lý, do không được báo cáo.

Không báo cáo thì… thôi


Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp (Viện NC&QLKT TƯ), Trần Tiến Cường lưu ý, đa số trong 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kinh doanh độc quyền xác nhận chủ sở hữu nhà nước không thực hiện giám sát rất nhiều hoạt động quan trọng, do bất cập của chế độ đại diện và ủy quyền tại các doanh nghiệp nhà nước. Điển hình là năng lực doanh nghiệp kinh doanh ngoài nghề chính, các giao dịch kinh doanh với những người có liên quan trong hội đồng quản trị, đầu tư thành lập công ty “con - cháu”. Đặc biệt, chủ sở hữu chưa giám sát chặt chẽ tình hình đầu tư vào lĩnh vực “tay trái”, như tài chính, ngân hàng, bất động sản…


Rất nhiều tập đoàn đang đầu tư vào các lĩnh vực tay trái như bất động sản, ngân hàng. Ảnh: TNLinh.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp - Văn phòng Chính phủ, khuyến cáo, việc giám sát của chủ sở hữu, hiện nay chủ yếu thông qua kênh báo cáo tiềm ẩn nhiều rủi ro: doanh nghiệp báo cáo không trung thực, thậm chí không báo cáo. Có cơ quan giám sát còn không nắm được hoạt động kinh doanh đang diễn ra tại tập đoàn, tổng công ty do doanh nghiệp… không báo cáo.

Cuộc điều tra còn vạch rõ, nhiều tập đoàn, tổng công ty không thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ, bắt buộc và theo yêu cầu - nhất là báo cáo tài chính năm – khiến cơ quan chức năng rất khó “hậu kiểm”. Nhiều doanh nghiệp còn không công bố thông tin dưới bất cứ hình thức nào, đặc biệt là thông tin cần thiết phục vụ giám sát, như báo cáo kiểm toán nội bộ, các giao dịch kinh doanh, thưởng cho cán bộ chủ chốt…

HĐQT “nuôi” Ban kiểm soát


Theo thông lệ, chức năng chủ yếu của Ban kiểm soát là bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu, giám sát hoạt động của HĐQT trong thực hiện nhiệm vụ do chủ sở hữu giao. Nghĩa là Ban kiểm soát độc lập hoạt động, chứ không thể là “người” của HĐQT. Song, ông Cường thông báo có tới 63% doanh nghiệp thừa nhận thu nhập, thù lao của Ban kiểm soát chủ yếu do chính các tập đoàn, tổng công ty chi trả. Chỉ 50% ý kiến điều tra cho biết hoạt động của Ban kiểm soát độc lập với HĐQT hoặc chủ tịch HĐQT, gần 30% doanh nghiệp công nhận Ban kiểm soát có tiến hành giám sát các giao dịch kinh doanh của doanh nghiệp với người có liên quan trong HĐQT…

Lãnh đạo Ban kiểm soát một tập đoàn có thâm niên 15 năm, phàn nàn do các quy định pháp lý hiện hành không quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát, nên thực tế, Ban kiểm soát thường làm theo chỉ đạo của lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu cứ để tập đoàn, tổng công ty trả lương cho Ban kiểm soát như hiện nay, thì hoạt động của Ban kiểm soát khó tránh khỏi bị “vô hiệu hoá”.

Để lấp các “lỗ hổng”, Viện NC&QLKT TƯ khuyến nghị, cần xác định rõ cơ quan đầu mối phối hợp, có trách nhiệm điều phối thực hiện công tác giám sát các tập đoàn, tổng công ty. Về lâu dài, cơ quan giám sát này nên đồng thời chuyên trách thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty. “Cần sớm xây dựng tiêu chí giám sát, đánh giá hằng năm cũng như dài hạn đối với các tập đoàn, tổng công ty, nhất là đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Ban hành luật hoặc nghị định về quản lý và giám sát thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước”, ông Cường đề xuất.

Kết quả điều tra trên là cơ sở để Bộ KH-ĐT hoàn thiện đề án “Đổi mới quản trị DN theo thông lệ kinh tế thị trường, và cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới”, trình Chính phủ cuối năm nay


DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt