Top

Lộ diện những “ông trùm” mới trong thị phần bán lẻ

Cập nhật 17/07/2013 10:30

Mặt bằng bán lẻ được xem là mảng sôi động nhất của thị trường bất động sản, và đây cũng là mảng quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong những tháng qua.

Mặc dù tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn và ảnh hưởng đến giá thuê mặt bằng bán lẻ, thị trường mặt bằng bán lẻ vẫn khá ổn định trong quý 2/2013. Không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như những năm về trước, nhưng tổng mức bán lẻ tại Tp.HCM và Hà Nội vẫn tăng khá lần lượt khoảng 7,7% và 8,1% (đã loại trừ yếu tố biến động về giá).

Điểm đáng chú ý về mảng thị trường này trong những tháng gần đây là lộ diện những thương vụ “thâu tóm” mặt bằng bán lẻ tại các khu trung tâm của nhà đầu tư ngoại và một số công ty trong nước nhằm mở rộng đầu tư vào lĩnh vực này. Điều này khiến thị trường này trở nên sôi động hơn. 

Quy mô thị trường mặt bằng bán lẻ hiện nay ở Tp.HCM khoảng 776.000m2 sàn và tại Hà Nội khoảng 760.000m2 sàn (theo số liệu Savills). Riêng tập đoàn Vingroup, tính sơ bộ đang sở hữu mặt bằng bán lẻ hiện hữu khoảng 600.000m2 sàn.

Vingroup hiện đang là một trong số ít đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ, với chiến lược phát triển của tập đoàn này trong 5 năm tới khoảng 10 TTTM cao cấp, ở khắp các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng…tương đương khoảng 1 triệu m2 sàn.
Theo báo cáo của CBRE, Vingroup dự kiến sẽ tiếp tục giữ vị trí hàng đầu về thị phần bán lẻ Hà Nội nhờ hai dự án Vincom Mega Mall Royal City và Vincom Mega Mall Times City, với tổng diện tích 437.000m2. Trong đó, Vincom Mega Mall Royal City khai trương vào tháng 7/2013 trở thành TTTM lớn nhất Việt Nam.

Thị phần BĐS bán lẻ: Lộ diện những “ông trùm” mới (1)
Vingroup vẫn dẫn đầu về thị phần bán lẻ tại HN khi Vincom Mega Mall Royal City khai trương tháng 7 tới

Vừa qua, Quỹ đầu tư toàn cầu Warburg Pincus đã đầu tư 200 triệu USD để mua lại 20% cổ phần công ty Vincom Retail (thành viên Vingroup), đây là tín hiệu lạc quan cho thị trường bất động sản bán lẻ. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại vào mảng mặt bằng bán lẻ Việt Nam.

Bên cạnh Warburg Pincus, một số tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ khác ở Châu Á cũng đang ráo riết “săn” các khu TTTM cao cấp tại trung tâm các thành phố lớn. Trong đó, đáng chú ý là Tập đoàn Lotte đến từ Hàn Quốc. Kế hoạch phát triển mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam đến 2020 của Lotte khoảng 60 siêu thị/TTTM, với tổng số vốn đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD.

Trên thực tế, Lotte cũng đã bắt đầu kế hoạch bành trướng của mình ở lĩnh vực này thời gian gần đây. Tại Hà Nội, Lotte vừa thâu tóm toàn bộ 4 tầng TTTM tương đương 20.000m2 tại Micpec Tower 229 Tây Sơn. Hiện Lotte Mart đã có 4 siêu thị hoạt động tại Việt Nam, gồm 2 ở TP.HCM, còn lại ở Đồng Nai và Đà Nẵng. Lotte Mark đặt tại Mipec Tower là thương vụ đầu tiên của công ty này tại Hà Nội.

Dấu ấn bành trướng khác của Lotte tại Hà Nội là dự án Lotte Centre cao 65 tầng trên đường Liễu Giai. Trước đây, dự án này có tên là Hanoi City Complex, Lotte đã mua lại Coralis Việt Nam (công ty con của Daewoo) và vẫn để Coralis đứng tên dự án.

Đến nay, công trình này đang thi công xây dựng, sắp hoàn thiện phần thân, dự kiến quý 2/2014 sẽ khai trương. Công trình cao 267m2, tổng diện tích sàn là 247.075 m2, 5 tầng hầm. Từ tầng 1 đến tầng 7 là trung tâm thương mại, tầng 8 đến tầng 31 là văn phòng cho thuê, từ tầng 33 đến 64 sẽ là 233 phòng ở cho thuê và khách sạn 300 phòng.

Thị phần BĐS bán lẻ: Lộ diện những “ông trùm” mới (2)
Lotte Centre đang hoàn thiện, quý 2/2014 khai trương

 
Ngoài ra, Lotte còn nhắm đến bất động sản thương mại khác là kinh doanh khách sạn với việc vừa mới mua lại 70% cổ phần từ tay Tập đoàn Kotobuki, nắm quyền chi phối khách sạn Legend. Bên cạnh đó, Lotte sở hữu 38,6% cổ phần Bibica.

Gần đây, Ocean Group cũng cho thấy tham vọng mở rộng kinh doanh của mình vào lĩnh vực bán lẻ. Kế hoạch của Ocean Group là phát triển mạnh hệ thống chuỗi 70 - 80 siêu thị và trung tâm thương mại trên toàn quốc với tổng diện tích mặt bằng 200.000 m2 vào năm 2015, riêng năm 2013 là 30 siêu thị và TTTM.

Chuỗi TTTM của Ocean Group được phát triển với thương hiệu Ocean Mark và Ocean Mall như Ocean Mark Hà Đông, Ocean Mall Làng Quốc tế Thăng Long và sắp tới là Ocean Mall Trung Hòa Nhân Chính,…

Thị phần BĐS bán lẻ: Lộ diện những “ông trùm” mới (3)
Oceangroup đang bành trướng kế hoạch 180.000m2 -200.000m2 sàn bán lẻ 

 
Nhiều tập đoàn bán lẻ khác như Mapletree - tập đoàn bán lẻ hàng đầu Singapore cũng đã cam kết đầu tư lên đến 1 tỷ USD tại Việt Nam, AEON của Nhật Bản (liên doanh với Tập đoàn Him Lam, Fairprice –hãng bán lẻ của Singapore cũng vừa liên doanh với Saigon Coop thành lập CoopXtraplus vào tháng 5.

Với việc điều chỉnh quy định Kiểm tra Nhu cầu Kinh tế (ENT) tại Thông tư 08/2013 của Bộ Công thương có khả năng sẽ làm tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài tới thị trường Việt Nam. Các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ không phải thông qua kiểm định ENT nếu như mở thêm cửa hàng có diện tích nhỏ hơn 500 m2 hoặc tại khu vực quy định.

DiaOcOnline.vn - Theo Tri Thức Trẻ