Không phải hàng chục năm sống chung với ô nhiễm như ở KCN Thụy Vân nhưng 5 năm qua người dân khu vực Mộ Hạ (thuộc CCN Bạch Hạc, phường Bạch Hạc, TP Việt Trì) lại đang chịu cảnh khổ khác.
“Chúng tôi muốn đi…”
Từ TP Việt Trì qua cây cầu sắt lái xe đi tay lái ngược là đến địa phận Phường Bạch Hạc – nơi có CCN Bạch Hạc đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khoảng 5 năm nay. Đến thời điểm chúng tôi có mặt 31 hộ dân tái định cư trong giai đoạn I của dự án đã đến nơi ở mới, nhà cửa khang trang, giao thông thuận tiện.
Càng đi sâu vào trong, cách khu dân cư không xa là một bãi đất trống rộng hàng chục ha đã được xây dựng đường giao thông, vỉa hè, đầu tư đường điện tương đối đầy đủ. Tuy nhiên mặt bằng thấp hơn so với đường nhựa Bạch Hạc – con đường chính chạy qua trung tâm phường.
Khu tái định cư cho người dân khu Mộ Hạ nhưng người dân cho rằng không ở được |
Qua tìm hiểu được biết, đây chính là khu tái định cư mà một số nhà máy trong CCN Bạch Hạc xây dựng đề đền bù cho bà con ở các tổ 17, 18 phường Bạch Hạc. Tuy nhiên khi trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Trọng Đang, tổ 17, nay đã 65 tuổi quả quyết: “Năm 2007 nhận Quyết định nhường đất đai để phát triển KCN, để phát triển đất nước trong đó có gia đình tôi, giai đoạn 1 đã di dân rồi, lúc đó dự án ở tư thế hừng hực, nhà máy quyết tâm, dân quyết tâm lắm. Thế nhưng, sau đó chúng tôi bị sốc vì tài chính nhà máy không có, chúng tôi phải sống lê thê từ đó đến nay.
Thời gian đó có những nhà được đền bù vài chục triệu đồng tiền ruộng, chúng tôi nhất trí, nhưng khi ấy chưa có mặt bằng tái định để ở, đến nay cũng vậy, tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, không có việc làm. Gỉả xử chúng tôi mất 1.000 mét vuông chúng tôi được 6 triệu đồng, nhưng vào khu tái định cư họ tính giá đất bán cho chúng tôi gấp 3 lần. Vào trong đó họ bán 500.000đ và 300.000đ mét vuông, chúng tôi không hà cớ gì bán 3 sào ruộng mà không mua nổi 80 mét vuông đất trong đó. Chúng tôi đã kiến nghị làm sao chúng tôi không sướng hơn nơi ở cũ, chỉ cần bằng, có ngôi nhà cấp 4 để ở, nếu làm như vậy khác gì chúng tôi đang có nhà rồi mất nhà. Dù chúng tôi rất muôn đi nhưng không có chỗ ở đi làm sao được?”.
Tiếp tục câu chuyện của ông Đang, một người dân tổ 17 ngao ngán: “Chúng tôi đã có nhiều đơn lên tỉnh, trung ương. Vừa rồi đơn vị đền bù có bổ sung cho chúng tôi 50% đền bù vật kiến trúc, nhưng giờ trượt giá, ngày đó 300đ /viên gạch, giờ là hơn 1 nghìn, sắt thép, xi măng đều lên. Đặc biệt, nhà cửa đang ở chúng tôi xây dựng đã lâu nhưng chưa đi được, công trình vệ sinh tạm bợ, tôi tắm toàn nước ao, ăn nước sông. Nhà dột, công trình vệ sinh, nước sạch, đường điện yếu cũng không được đầu tư nữa. Thế là chỉ biết sống trong chờ đợi”.
Còn ông Lê Thế Thắng, tổ 18, phường Bạch Hạc thì chắc như đinh đóng cột: “Cứ để dân kiện cáo, nhà cửa rột nát không ai dám xây dựng, gia đình tôi 3 cặp vợ chồng, mấy đứa cháu ở chung một nhà, không dám tách ra, đã 5 năm nay luôn phải sống cảnh tạm bợ. Năm 2007 đã đền bù, nhưng đến nay mặt bằng như lòng chảo. Tôi và một số họ khác một tên 2 bìa đỏ, tôi chưa chuyển được cho con, các ông cắt đi một bìa, ai hưởng, một số hộ một tên nhưng 3 lô đất, họ (đơn vị đền bù tái định cư) nói cấp cho một suất. Chúng tôi muốn có cuộc họp với tỉnh và bên dự án, mong muốn về nói chuyện với dân một buổi là xong, có thể người dân chịu thiệt chứ không để tỉnh phải thiệt, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn”.
Cần một cuộc gặp và những lời giải thích thỏa đáng
Ông Nguyễn Đắc Hạnh, phường Bạch Hạc nhắc lại những lời hẹn ước năm xưa của chủ đầu tư Dự án: “Đầu tiên ông Trưởng ban Dự án có về đây nói với dân sẽ có mặt bằng cho dân ngay sau khi đền bù, nhưng đến nay chưa có mặt bằng dù đã hứa là năm 2008 có, mãi đến năm 2010 mới có mặt bằng, chúng tôi không nhất trí, đã kiến nghị lên tỉnh. Sau đó rất nhiều đoàn đến kiểm tra, nhưng bản thân nhà tôi đã đổ nát, chúng tôi có bìa đỏ, đất do Chính phủ cấp, trả chúng tôi thiếu đất nhưng trong kia (khu tái định cư) vẫn thừa đất”.
Ngôi nhà tạm bợ của gia đình bà Ngô Thị Dẫn đã xiêu vẹo phải chống đỡ 4 phía. |
Chính việc chưa có sự đồng thuận giữa người dân địa phương và Ban quản lý Dự án CCN Bạch Hạc đã dẫn đến khiếu nại kéo dài, người dân chưa có nơi ở mới ổn định, trong khi đó nhà cửa họ đang ở đã cũ kỹ và không được xây dựng mới khiến nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh túng quẫn.
Chúng tôi có mặt tại gia đình bà Ngô Thị Dẫn, trong căn nhà dột nát siêu vẹo chống đỡ tứ phương bà Dẫn cho biết: “Gia đình tôi sống trong ngôi nhà tạm bợ này đã mấy năm rồi, muốn chuyển đến nơi ở mới lắm chứ. Khổ nỗi nơi ở mới chỉ có đất, tiền đền bù đã nhận từ lâu và sử dụng vào mục đích sinh hoạt hàng ngày, giờ lấy đâu tiền xây nhà mới…”
Trong câu chuyện với chúng tôi hầu hết toàn dân tổ 17, 18 phường Bạch Hạc đều chung một mong muốn là chính quyền địa phương bớt chút thời gian xuống nói chuyện với người dân để đi đến một thống nhất trong việc đêng bù và tái định cư để phát triển CCN Bạch Hạc. Có như thế người dân mới an tâm làm ăn, phát triển kinh tế.
Lý giải về việc chuẩn bị khu tái định cư chậm tiến độ ông Hà Tất Lợi, Phó giám đốc Công ty Phát triển Hạ tầng cho biết: “Vấn đề giải phóng mặt bằng hơi chậm dẫn đến bà con có ý kiến, nên năm 2011 sau khi họp các sở ban ngành đã hỗ trợ trượt giá 50% trị giá vật kiến trúc so với giá năm 2007, sau đó tổ chức chi trả cho bà con, nhưng bà con chưa thỏa đáng nên có người nhận, người không.
Về quỹ đất ở cho người dân tái định cư ông Lợi cho hay: “Hạng mức đất ở thực tế theo luật quy định thì quỹ đất đền bù thấp, do quỹ đất không có. Còn nói mặt bằng thấp dẫn đến ngập úng, thì thực chất căn cứ vào quy hoạch chung của thành phố, vì khu trước, giai đoạn 1 đã có dân ở, nếu xây dựng khu mới mà cao hơn thì không được. Còn vấn đề ngập úng thì thực chất hơn chục năm nay chưa hề có ngập úng.
Khi tiến hành thu hồi đất có mấy đối tượng có diện tích thu hồi khoảng 200 – 300 mét vuông, 100 – 200 mét, những hộ ở đất mượn (không có sổ đỏ), đất quỹ 2 của địa phương, khi bố chí tái định cư chia ra các lô đất khác nhau, nếu thu từ 200 – 300 mét bố chí tái định cư 200 mét, dưới 150 thì tái định cư 100 mét, nhưng hộ không có đất thì bố chí 80 mét, với những trường hợp ở mức trung bình thì cấp trung bình họ không nói gì, còn những hộ ở mức cao nhưng được cấp ít hơn thì họ không chấp nhận…
Bà Lê Thị Yến, 55 tuổi đã từng lên TP Việt Trì họp Hội đồng nhân nhân thì như trách móc: “Lên họp tỉnh ở Phường Gia Cẩm, chính tôi đã nói thẳng với ông Ủy viên trung ương Đảng –Bí thư tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Doãn Khánh về sự việc kéo dài nhiều năm nay trong khu và ông Khánh cũng nói nhà máy làm như vậy sai nhưng đến nay vẫn chưa xử lý. Và tôi mời ông Bí thư tỉnh về họp với dân, ông ấy nói sẽ có người đến nhưng đến nay chưa thấy ai đến và trả lời”.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: