Top

Tín dụng cần “rộng cửa” với người mua nhà

Cập nhật 15/11/2012 15:01

Ai cũng biết, thời gian qua, thị trường BĐS trầm lắng có nguyên nhân từ sự thắt chặt tín dụng của các ngân hàng. Trong khi đó, rất nhiều DN BĐS đang cần tiền để hoàn thiện các các dự án còn đang dang dở. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, chỉ cho các chủ đầu tư vay tiền là chưa đủ, ngân hàng cần hướng đến đối tượng vay là người mua nhà.
 


Từ nợ thành nợ xấu - ranh giới mong manh

Ông Nguyễn Ngọc Thành - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng cho rằng, giá BĐS hiện nay cao gấp 20 lần thu nhập bình quân đầu người là hết sức vô lý. Theo ông Thành, nguyên nhân khiến giá BĐS quá cao như vậy là do chi phí đầu vào còn cao, trong đó có lãi suất ngân hàng.

Thực tế, về mặt chính sách thì lãi suất không cao, nhưng chi phí thực tế thì rất nhiều. “Đây là vấn đề đang làm đau đầu DN. Chi phí lãi suất ngân hàng có khi chiếm tới 50% dự án. Vay vốn của Ngân hàng phát triển cũng chiếm tới 20%. Nếu vay tín dụng đen thì lãi suất còn cao hơn nữa”, ông Thành cho biết. Ngoài ra, nguy cơ trở thành nợ xấu cũng rất cao khi ngân hàng thôi không cho vay nữa với những dự án còn đang dang dở. Ông Thành ví dụ: “Hiện nay, chúng tôi đang đầu tư 300 tỷ đồng cho một dự án. Nhưng nếu từ nay đến cuối năm, ngân hàng không tiếp tục cho vay tiền nữa thì khoản nợ đó của chúng tôi sẽ trở thành nợ xấu. Dự án cũng không thể hoàn thiện để bán ra thị trường được do thiếu tiền. Do vậy, ranh giới giữa nợ tốt và nợ xấu cũng rất mong manh”.

Theo ông Thành, để thúc đẩy thị trường, ngân hàng không chỉ cho vay đối với các chủ đầu tư mà cần hướng đến người mua nhà. Hiện nay, nhiều khách hàng than muốn vay để mua nhà nhưng không dễ gì vay được tiền từ các ngân hàng.

Bất an với lãi suất

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Từ đầu năm đến nay, một loạt các ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Vietinbank... đã tung ra gói tín dụng trị giá cả chục ngàn tỷ đồng với mức lãi suất hấp dẫn. Cụ thể, ngân hàng BIDV dành gói tín dụng 4 nghìn tỷ đồng cho khách hàng vay mua nhà với lãi suất 12%/năm trong vòng 6 tháng đầu tiên. Vietcombank cũng công bố sẽ dành 2 nghìn tỷ đồng để cho khách vay kinh doanh, mua, sửa chữa nhà... cũng với mức lãi suất này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, do thời hạn hỗ trợ lãi suất chỉ kéo dài khoảng 3 - 6 tháng, do vậy họ lo ngại về việc ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất lên khi hết thời hạn vì vậy không muốn tiếp cận. Điều đó cũng có nghĩa, các chính sách cho vay đối với người mua nhà (dù có ưu đãi) nhưng vẫn chưa tạo được niềm tin đối với người mua nhà.

Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng với DN xây dựng, BĐS khu vực Hà Nội vừa diễn ra có sự tham dự của Ngân hàng Nhà nước, một số Ngân hàng thương mại, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần có các định chế tài chính hỗ trợ thị trường BĐS. Bộ trưởng đề nghị mở van tín dụng không chỉ cho người đầu tư mà trực tiếp cho người mua nhà bằng cách hạ lãi suất. Đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Viết Mạnh cũng khẳng định sẽ tiếp tục đề xuất các gói tín dụng ưu đãi cho người mua nhà. Theo ông Mạnh, BĐS là nút thắt của nền kinh tế nên trong trường hợp các đối tượng đầu tư muốn vay vốn, Ngân hàng sẵn sàng tích cực hỗ trợ. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước hứa sẽ dành một khoản vốn hỗ trợ để thị trường có thể luân chuyển.

Tuy nhiên, ông Trần Xuân Hoàng - Phó tổng giám đốc BIDV lại cho rằng, nguyên nhân chính là do nguồn cung quá lớn và giá nhà vẫn còn cao, dự báo sang năm 2013 tiếp tục giảm nữa nên người mua nhà chần chừ, chờ đợi giá xuống. Vì vậy, để giải tỏa sự bất cập về giá, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, các DN phải quyết liệt cơ cấu lại sản phẩm nhằm hạ giá thành, để sản phẩm làm ra phải đến được với đông đảo người có thu nhập thấp và trung bình, chứ không chỉ người có thu nhập cao như hiện nay.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng