Top

Lập quỹ đất phá quy hoạch “treo”

Cập nhật 31/05/2010 09:10

Quy chế mẫu quản lý, sử dụng quỹ phát triển đất do Thủ tướng vừa ban hành cho phép dùng quỹ này để đền bù đất tại các khu quy hoạch chưa có quyết định thu hồi đất. Có nghĩa người dân tại các khu quy hoạch “treo” sẽ được nhận tiền đền bù trước mà không phải chờ đến khi chủ đầu tư triển khai dự án.


Đường Bình Quới - trục đường chính của P.28, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - chật hẹp như đường nông thôn, nhà cửa hai bên đường vẫn lụp xụp do quy hoạch “treo” kéo dài (ảnh chụp sáng 30-5) - Ảnh: N.C.T.

Không chỉ TP.HCM mà các tỉnh thành trên cả nước đều có rất nhiều khu quy hoạch “treo”, dự án “treo”. Việc này gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân nằm trong khu quy hoạch “treo” cũng như hạn chế các quyền lợi như khi xây dựng, sửa chữa nhà, mua bán nhà đất...

Riêng tại TP.HCM, khu quy hoạch thuộc P.3, Q.11 đã có hàng chục năm qua, trước đây dự kiến để mở rộng công viên văn hóa Đầm Sen, nay chuyển sang xây khu chung cư nhưng chưa triển khai. Khu Bình Quới - Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) có “thâm niên” quy hoạch từ năm 1992 đến nay vẫn chưa thấy chuyển động...

Lợi cả đôi bên

Mỗi năm dành khoảng 1.000 tỉ đồng cho việc phát triển quỹ đất

Theo Sở Tài chính TP.HCM, trước mắt cần có bộ máy quản lý quỹ phát triển đất, có quy chế hoạt động sau đó sẽ tính đến nguồn vốn cho quỹ này. Sở Tài chính cho biết nguồn thu từ tiền sử dụng đất của TP.HCM trong năm 2009 hơn 3.000 tỉ đồng, chưa kể các nguồn thu khác từ tiền thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất...

Giám đốc một công ty thẩm định giá nhà đất nói với nguồn thu từ đất khá lớn như vậy, chỉ cần trích theo tỉ lệ quy định tối thiểu 30% thì mỗi năm TP có không dưới 1.000 tỉ đồng dành cho việc phát triển quỹ đất.
Lãnh đạo UBND Q.8 (TP.HCM) cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến quy hoạch kéo dài nhiều năm không triển khai được là do thiếu tiền đền bù. Quy hoạch kéo dài càng lâu thì tiền đền bù càng nhiều vì giá đất tăng cao. Theo quy chế mẫu về quản lý, sử dụng quỹ phát triển đất, sắp tới đơn vị quản lý được dùng quỹ này để đền bù cho người dân có đất tại các khu quy hoạch “treo”.

Nhiều ý kiến cho rằng làm được như vậy TP sẽ có quỹ đất rất lớn để làm các dự án nhà ở, mở đường, công viên cây xanh, trường học, bệnh viện... và thời gian triển khai dự án cũng không kéo dài như hiện nay. Tuy nhiên, để làm được điều này TP cần số tiền rất lớn chi cho đền bù.

Ông Trần Kim Phát, giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP, cho biết Nhà nước đền bù đất quy hoạch sau đó đưa ra đấu giá rất hiệu quả. Như khu đất hơn 8ha tại H.Bình Chánh, ban đầu Trung tâm Phát triển quỹ đất TP đền bù, tái định cư trên 25 tỉ đồng sau đó đưa ra đấu giá đã thu lại gấp nhiều lần số tiền này.

Ông Phát nói hiện trung tâm được TP giao đền bù 15 khu đất với tổng diện tích gần 2.100ha tại các quận huyện Thủ Đức, Q.9, Bình Chánh, Nhà Bè..., tổng số vốn đền bù dự kiến hơn 14.000 tỉ đồng.

Theo kế hoạch, toàn bộ diện tích đất này sẽ đền bù trong vòng sáu năm, đến năm 2015 phải xong. Khi đó sẽ tạo ra quỹ đất lớn cho TP và nếu đưa ra đấu giá, nhiều khả năng sẽ đem lại số tiền không nhỏ. Nhưng để đền bù xong các khu đất nói trên, trung bình mỗi năm Trung tâm Phát triển quỹ đất TP cần hơn 2.300 tỉ đồng, đây là số tiền không phải dễ có vì chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách.

Lấy đất nuôi đất

“Hình thành quỹ phát triển đất là một bước đột phá quan trọng về cơ chế đền bù cũng như để tạo ra quỹ đất” - tiến sĩ Đặng Hùng Võ đánh giá. Theo ông, nên giảm dần sự can thiệp của cơ quan hành chính nhà nước và để cho các tổ chức phát triển quỹ đất lo chuyện đền bù, như vậy mới mềm dẻo hơn khi nói chuyện với dân.

Về lâu dài, quỹ phát triển đất cần chú ý nhiều hơn đến việc phát triển quỹ đất sạch (đã đền bù xong) ở các khu vực khác, không chỉ giới hạn đền bù ở các khu quy hoạch do Nhà nước thu hồi đất. Như vậy mới tạo ra nhiều quỹ đất hơn, đưa ra đấu giá sử dụng đất, đấu thầu dự án, tạo ra nguồn thu nhiều hơn cho Nhà nước, sau đó tiếp tục đền bù, tăng quỹ đất sạch cho các địa phương.

Ông Võ nói nếu chờ có quyết định thu hồi đất rồi mới giải tỏa hoặc đền bù đến đâu làm hạ tầng đến đó thì giá đền bù sẽ tăng, người dân nghĩ rằng đất của họ tăng giá nên đòi tăng tiền đền bù nhưng thật ra đất tăng là do Nhà nước bỏ tiền đầu tư hạ tầng. Ông Võ gợi ý để đất có giá hơn, cơ quan chức năng cần đầu tư thêm hạ tầng sau đó mới đưa ra đấu giá thay vì chỉ đấu giá đất giải tỏa xong.

Theo quy định, hằng năm các tỉnh, TP được trích 30-50% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn (sau khi trừ các khoản bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chi phí liên quan) để góp vào quỹ này. Mức trích cụ thể do HĐND tỉnh, TP quyết định. Quỹ phát triển đất cũng được sử dụng vốn từ các nguồn khác như vốn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ hoặc ủy thác quản lý vốn của các tổ chức quốc tế, tổ chức và cá nhân trong nước, nước ngoài theo chương trình, dự án viện trợ, tài trợ...

Ông Trần Kim Phát đề xuất nếu nguồn vốn ngân sách chưa đáp ứng yêu cầu để phát triển quỹ đất thì nên xã hội hóa, huy động vốn từ nhiều nguồn, trong đó có các đơn vị muốn làm dự án tại các khu quy hoạch.

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO