Top

Giá đất tại Hà Tây (cũ), một năm tăng 40%

Cập nhật 29/05/2010 11:10


Thông tin quy hoạch Hà Nội là một nguyên nhân tác động đến giá đất.
Ngay sau khi có kết quả khảo sát tình hình giá nhà đất tại các địa điểm "nhạy cảm" ở Hà Nội trình Chính phủ để báo cáo trước Quốc hội vào tuần tới, ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đã trả lời phóng viên.

* Ông đánh giá như thế nào về hiện trạng giá BĐS tại các địa điểm mà đoàn công tác do Bộ Xây dựng chủ trì vừa trực tiếp đi khảo sát?

Chúng tôi đã tham khảo qua rất nhiều kênh thông tin, kể cả các giao dịch trực tiếp, giao dịch qua sàn, các hợp đồng chuyển nhượng BĐS qua Cục Thuế Hà Nội. Mục đích là để có kết quả chuẩn xác nhất về mặt bằng giá BĐS hiện nay tại một số khu vực đang được xem xét quy hoạch.

Cụ thể, chúng tôi đã kiểm tra tại 5 huyện là: Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Thường Tín và Mê Linh thì giá BĐS cũng có sự dao động khá lớn. Tăng mạnh nhất là khu vực phía tây HN. Giá đất dự án nằm trong vành đai 4 như khu vực quận Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn, khu vực An Khánh trong năm 2009 chỉ dao động khoảng 25-30 triệu đồng/m2, thì 5 tháng đầu năm 2010 tăng lên khoảng 40%, hiện giao dịch ở mức 40-60 triệu đồng/m2.

Giá đất nền tại các dự án khu vực Quốc Oai năm 2009 khoảng 10-12 triệu đồng/m2, thì hiện giờ cũng tăng lên khoảng 20-30 triệu đồng/m2. Cùng với đà tăng này, các địa bàn khác như Gia Lâm cũng có mức giá tăng từ khoảng 25-30 triệu đồng/m2 (năm 2009) lên 30-40 triệu đồng/m2, các khu đô thị mới như Việt Hưng, Sài Đồng cũng tương tự, bình quân đã tăng khoảng 30% chỉ trong vòng 1 năm, thậm chí chưa tới 1 năm... Nhìn tổng thể thì giá đất tăng cao nhất khoảng 40%, một số khu vực tăng không cao như sự phán đoán của nhiều người và không thể được coi là tăng đột biến.

* Thông tin về quy hoạch Hà Nội có phải là nguyên nhân chủ yếu kéo giá lên?


Chúng tôi cho rằng, việc tăng giá BĐS thời gian qua là do rất nhiều nguyên nhân, mà thông tin quy hoạch HN chỉ là một trong những nguyên nhân tác động đến mặt bằng giá. Trước hết phải kể đến là tình trạng thiếu hụt các dự án BĐS lớn trong 2 năm trở lại đây. Thứ hai là việc giải phóng mặt bằng (GPMB) tiến triển rất chậm chạp do thay đổi trong cơ chế, chính sách về bồi thường GPMB, giá đền bù theo NĐ 69 tăng từ 1,5-5 lần so với trước.

Nguyên nhân nữa là sự thiếu hấp dẫn của các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng… nên luồng vốn chuyển sang BĐS. Nguyên nhân quy hoạch HN mở rộng từ khi được Bộ Xây dựng trưng cầu lấy ý kiến người dân (trong tháng 4.2010) cũng tác động đến tâm lý nhà đầu tư.

Chưa kể các khu vực xem xét quy hoạch hiện đã được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông khá đồng bộ và chỉnh trang như trục Láng - Hoà Lạc, đường 32, đường 6 chuẩn bị đón đại lễ 1.000 năm Thăng Long - HN, các trục giao thông xung quanh vành đai 3, vành đai 4 được hoàn thiện chính là yếu tố hấp dẫn thị trường BĐS thêm sôi động, tăng thêm giá trị BĐS.

* Còn tâm lý đầu cơ theo phong trào thì sao, thưa ông, đó có phải là mấu chốt của tình trạng giá nhà đất tăng cao, khó kiểm soát?


Trong khi nguồn cung hạn chế, cầu tăng cao, không ngoại trừ có nhiều cầu trong số này là các nhà đầu cơ theo phong trào, đầu tư theo tâm lý “đám đông” rất dễ dẫn đến rủi ro. Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng kiến nghị, để hạ nhiệt thị trường nhà đất, đưa giá BĐS diễn biến theo đúng cung - cầu, cần phải minh bạch, công khai quy hoạch. Đồng thời với quy hoạch, phải triển khai ngay các đồ án quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư xây dựng, công khai thông tin đến người dân ở tất cả các khu vực, để người dân nắm bắt kịp thời.

Đối với các khu vực ngoại thành HN, hiện đang tự phát xây dựng, rất manh mún và không có quy hoạch cần nhanh chóng hoàn thiện các điểm dân cư nông thôn nhằm ổn định việc sử dụng đất, tránh tình trạng tự do mua bán, chuyển nhượng lộn xộn như hiện nay.

Xin cảm ơn ông.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động