Top

Lãng phí đất công là có tội với dân

Cập nhật 01/07/2018 08:01

Lãnh đạo HĐND TP HCM đề nghị UBND TP thanh - kiểm tra việc lãng phí nhà, đất công là do nguyên nhân khách quan hay có tiêu cực, lợi ích

Sáng 30-6, HĐND TP HCM đã giám sát công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn TP. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết giá trị các khoản thu từ đất đai của TP hằng năm đều tăng và chiếm từ 8%-9% tổng nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại trong công tác này.

Không biết sợ là gì!

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng nhìn nhận trong thời gian qua, nhiều mặt bằng do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước đã được giao quản lý sử dụng nhưng lại bố trí cho CB-CNV ở, cho thuê, hợp tác kinh doanh sai mục đích, trái quy định. Từ năm 2016-2017, Thanh tra TP, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nhiều cuộc thanh - kiểm tra, qua đó phát hiện 86 mặt bằng sử dụng sai phạm.


Đất Công viên Phú Lâm (quận 6, TP HCM) cho thuê sai mục đích Ảnh: GIA MINH

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến chỉ ra trước hết là quản lý không chặt, còn biểu hiện khoán trắng, tin tưởng vào quản lý trực tiếp của đơn vị, xử lý không nghiêm và đến giờ này vẫn vậy. Có đơn vị tùy tiện trong việc chuyển nhượng, cho thuê. Đây chính là tiền đề dẫn đến những sai phạm trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc chậm triển khai quy hoạch đã dẫn đến tình trạng lấn chiếm; rồi những sai phạm trong quá trình giao đất dẫn đến khiếu nại của dân.

Một việc khác mà theo ông Tuyến cần rút kinh nghiệm là việc giao đất cho các chủ đầu tư. Phải tìm cách kiểm soát chặt chứ không để tình trạng như hiện nay. Về trách nhiệm các quận - huyện, các trung tâm, công ty trong quản lý nhà, đất công, ông Tuyến cho biết kê khai không đầy đủ, thiếu hiểu biết cũng có mà cố tình cũng có. "Đáng lo ngại hơn là nhiều người không biết sợ là gì mặc dù thanh - kiểm tra đã xử lý. Việc này phải làm nghiêm khắc hơn nữa chứ không để như vậy" - ông Tuyến khẳng định.

Buông lỏng nhiều năm

Về phía HĐND TP, các đại biểu cũng đưa ra nhiều bất cập trong công tác quản lý. Ông Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP, nêu giá cho thuê nhà công hiện nay mỗi đơn vị làm một kiểu. "Một số đơn vị áp dụng đơn giá cho thuê từ năm 1994, có đơn vị lại căn cứ theo giá thị trường, có nơi lại đấu giá. TP sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?" - ông Danh đặt vấn đề. Còn Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Vũ Thanh Lưu nói để lãng phí, thất thoát tài nguyên đất mới thấy thu hồi tiền chứ cán bộ làm sai thì chưa xử lý.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng tình trạng quản lý không chặt, buông lỏng, thiếu thống nhất là hạn chế kéo dài nhiều năm nay, cần phải chấn chỉnh ngay. Đối với việc lãng phí, thất thoát đất, nhà công, bà Tâm yêu cầu UBND TP phải thanh - kiểm tra để làm rõ việc này do khách quan nhận thức của cán bộ, quy định pháp luật không rõ hay có tiêu cực, lợi ích.

"Đất, nhà mà chúng ta có được đó là xương máu. Biết bao thế hệ người Việt trải qua cuộc đấu tranh dài với nhiều hy sinh, mất mát mới giành được độc lập, mới có được nhà, đất chứ đâu phải tự nhiên mà có. Nếu chính quyền quản lý không chặt, lỏng lẻo để thất thoát, lãng phí, tiêu cực là có tội với nhân dân, nhất là những người đã hy sinh" - bà Tâm nói. Bên cạnh đó, UBND TP phải quan tâm hơn nữa về công tác quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; rà soát lại, quản lý thống nhất, có cơ quan chủ trì chứ không thể để quá nhiều cơ quan quản lý như hiện nay.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng quản lý đất đai là quá trình lịch sử, càng sửa càng bộc lộ nhiều vấn đề hạn chế, gây bức xúc xã hội. "Đây là một thực tế, nếu không sửa mà bảo thủ thì người dân, doanh nghiệp sẽ khổ. Chính quyền phải có cách nhìn vấn đề một cách khách quan, thừa nhận những sai sót, hạn chế về pháp luật, quản lý để sai phải sửa chứ không phải vì những yếu kém trước đó mà không dám sửa. Một khi còn sợ, đùn đẩy trách nhiệm thì rất khó giải quyết" - ông Tuyến nhấn mạnh. Ông Tuyến cho biết trong thời gian tới, trừ những trường hợp chỉ định làm công ích, quốc phòng, còn lại phải đấu giá, đấu thầu công khai, minh bạch. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực điều hành của TP, tăng cường quản lý chặt chẽ tài nguyên đất, có cơ chế giám sát việc kê khai, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu.

Đấu giá từng lô đất ở Thủ Thiêm

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP sẽ bán đấu giá từng lô đất trong 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 khu đô thị mới Thủ Thiêm để rút kinh nghiệm. Nếu đấu giá 9 lô một lần, nhà đầu tư trúng thầu không triển khai được, dự án sẽ kéo dài, nhiều khi "lui cũng không được mà tới cũng không xong". UBND TP đang lên kế hoạch trình HĐND TP xin khoảng 700 tỉ đồng để triển khai hạ tầng giao thông trước khi bán đấu giá. Khi làm hạ tầng đầy đủ, đấu giá đất xong sẽ triển khai dự án ngay.



DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ