Thị trường bất động sản 2016 sẽ tiếp tục có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển, nhất là tác động từ làn gió mới chính sách, các hiệp định thương mại tự do được ký kết, có hiệu lực…
Thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào chu kỳ phát triển mới với nhiều nền tảng vững chắc hơn - Ảnh: Dũng Minh
|
Có thể nói, sau nhiều năm, năm qua là lần đầu tiên hành lang pháp lý cho thị trường địa ốc được xây dựng và ban hành một cách đồng bộ, từ nhà ở thương mại, đến nhà ở xã hội, cải tạo và xây dựng chung cư cũ... |
Tại phân khúc văn phòng, mặt bằng bán lẻ, theo CBRE, tỷ lệ trống năm 2015 ở 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP. HCM giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 10% so với 30 - 40% trong giai đoạn trước. Ngay cả với thị trường được coi là “khó nhằn” như biệt thự, nhà liền kề, cũng cải thiện đáng kể về cả số lượng căn mở bán, cũng như số lượng giao dịch thành công của các dự án mới.
Một diễn biến nổi bật trong năm qua là số lượng sản phẩm từ phân khúc cao cấp tăng đột biến, chiếm 32% tổng giao dịch tại Hà Nội. Còn tại TP. HCM, những dự án trung và cao cấp, với giá bán dao động trong khoảng 1,3 - 5 tỷ đồng/căn bán rất chạy, chiếm hơn 75% tổng giao dịch thành công.
Trong năm 2015 cũng ghi nhận sự trở lại ấn tượng của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng với hình thức đầu tư Timeshare (chia sẻ kỳ nghỉ). Trong bối cảnh du lịch đang ngày càng phát triển, các loại sản phẩm này đã tạo ra một khẩu vị mới và thu hút nhiều nhà đầu tư, góp phần vào sự sôi động chung của thị trường.
Có thể nói, sự phục hồi của thị trường bất động sản năm qua thể hiện trên mọi phân khúc. Nguyên nhân giúp thị trường hồi phục, ngoài nhờ chuyển biến tích cực của kinh tế vĩ mô, không thể không kể đến tác động từ các chính sách hỗ trợ, cũng như tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho thị trường phát triển.
Đầu năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Để thực hiện Nghị quyết 01/2013, nhiều chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản đã được các bộ, ngành ban hành, như gói 30.000 tỷ đồng, cho phép chia nhỏ căn hộ, thay đổi công năng của dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội…
Với các chính sách này, những ngọn lửa đã được nhóm lên ở phân khúc nhà ở xã hội, lan dần sang phân khúc nhà ở giá trung bình và sau đó hơi ấm đã lan rộng ra cả thị trường, giúp bất động sản hồi phục dần từ năm 2014 và khởi sắc trong năm 2015.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, có thể khẳng định, các chính sách, các giải pháp của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã đúng và trúng, trong đó đặc biệt là quan điểm rất khoa học, thực tiễn và có tính nhân văn là tháo gỡ khó khăn cho thị trường gắn liền với thực hiện Chiến lược Nhà ở quốc gia.
Với nền tảng trong năm 2015 và sức lan tỏa của các chính sách mới như Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Luật Xây dựng sửa đổi và các nghị định hướng dẫn có hiệu lực, nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, năm 2016, thị trường sẽ còn tốt hơn.
Có thể nói, sau nhiều năm, đây là lần đầu tiên hành lang pháp lý cho thị trường địa ốc được xây dựng và ban hành một cách đồng bộ, từ nhà ở thương mại, đến nhà ở xã hội, cải tạo và xây dựng chung cư cũ...
Ngoài tính đồng bộ, các chính sách mới cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng tiếp cận một cách cởi mở hơn và sát với thực tế thị trường hơn, như mở rộng cho đối tượng người nước ngoài và Việt kiều sở hữu và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam; bắt buộc bán nhà ở hình thành trong tương lai phải có bảo lãnh của ngân hàng, để đảm bảo quyền lợi người mua nhà; cưỡng chế quỹ bảo trì chung cư…
“Chất xúc tác” từ hội nhập quốc tế
Ngoài làn gió mới chính sách, thị trường bất động sản hồi phục mạnh mẽ trở lại thời gian qua còn nhờ “chất xúc tác” hội nhập quốc tế.
Có thể nói, với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA với Hàn Quốc (VKFTA), FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA)…, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực từ đầu năm nay, thị trường bất động sản Việt Nam đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thông tin được ông Võ Văn Hữu Phước, Giám đốc Bộ phận Định giá và Nghiên cứu, Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, để đón sóng TPP và các FTA thế hệ mới, nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ châu Á và Mỹ đã đẩy mạnh việc tìm kiếm quỹ đất thông qua mạng lưới của Cushman & Wakefield nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất và mở rộng quy mô tại Việt Nam.
Thông tin mà ông Phước đưa ra cũng không phải quá bất ngờ, bởi một nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered mới đây cũng cho thấy, có khoảng 44% đơn vị tham gia nghiên cứu chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư do có thị trường nội địa rất lớn, 29% nêu lý do là chi phí hoạt động thấp và 18% là nhân công dồi dào.
Còn theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2015, cả nước có 2.013 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là gần 15,58 tỷ USD và có 814 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 7,18 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 trong số các lĩnh vực thu hút vốn FDI của Việt Nam trong năm 2015 với 34 dự án đầu tư mới và 12 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,39 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư.
Những con số "biết nói” trên minh chứng cho sự hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Không chỉ những con số và nhận định, thực tế thị trường năm qua cũng cho thấy thị trường địa ốc Việt Nam đang thực sự lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài với hàng loạt “cái bắt tay” có yếu tố nước ngoài.
Có thể kể đến một số thương vụ tiêu biểu, như Quỹ đầu tư Creed Group và Công ty An Gia Investment ký kết hợp tác với việc nhà đầu tư đến từ Nhật Bản rót 200 triệu USD mua lại cổ phần, hợp tác đầu tư và cho vay lãi suất ưu đãi để An Gia Investment mua lại các dự án bất động sản. VinaCapital, cùng Dragon Capital, Mutual Fund Elite, Vietnam Holding, SAM,…“bơm” vốn vào Khang Điền. Gamuda Land thuộc Tập đoàn Gamuda (Malaysia) đã bỏ ra 1.400 tỷ đồng để mua lại phần vốn góp từ các đối tác nội là Sacomreal và CTCP Đầu tư Thành Thành Công để độc quyền đầu tư Dự án Celadon City (TP. HCM). Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản ) đầu tư vào Dự án Flora Anh Đào của Nam Long thông qua việc mua lại 50% cổ phần của công ty phát triển dự án là Công ty Dự án Nguyên Phúc, hay Quỹ đầu tư Genesis Global Capital “đặt hàng” Phúc Khang 30% sản phẩm tại chuỗi căn hộ tiêu chuẩn xanh…
Tại sao thị trường địa ốc Việt Nam lại có sức hút lớn đến như vậy đối với nhà đầu tư nước ngoài?
Trả lời câu hỏi này, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw đánh giá, tuy kinh tế Việt Nam những năm qua có lúc thăng, lúc trầm, nhưng Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có sự tăng trưởng ổn định và có sức hút lớn với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, với dân số hơn 90 triệu người, cơ cấu dân số trẻ và quá trình đô thị hoá nhanh, Việt Nam vẫn là một quốc gia tiềm năng cho việc phát triển các dự án bất động sản và dịch vụ bất động sản.
Dưới góc nhìn của một nhà tư vấn nước ngoài, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle Vietnam cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam đã qua thời kỳ suy thoái, bước vào giai đoạn phát triển và niềm tin thị trường đã trở lại, giá bất động sản tại TP. HCM hay Hà Nội đã bắt đầu tăng trở lại. Đây là yếu tố để thúc đẩy nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường.
Như vậy, có thể nói, trong những năm tới, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhờ “làn gió mới” chính sách, kết hợp với “chất xúc tác” hội nhập. Tuy nhiên, để thị trường phát triển bền vững và ổn định, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam phải biết nắm bắt cơ hội để xây dựng cho mình chiến lược dài hạn, tránh hiện tượng nôn nóng, chộp giật như trước đây.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: