Top

Xây dựng nhà ở cho sinh viên:

Làm sao để hiệu quả nhất?

Cập nhật 10/09/2009 13:55

Theo kế hoạch, năm 2009, TP Hà Nội được phân bổ hơn 600 tỷ đồng ngân sách để xây dựng ký túc xá cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là hết năm, trong khi vấn đề lo chỗ ở cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP hết sức cấp bách. Vì vậy, làm thế nào để số vốn trên được sử dụng hiệu quả nhất là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn.

Chờ quỹ đất để lập dự án

Hiện tại, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng đang được nghiên cứu, theo kế hoạch phải đến tháng 10-2010 mới hoàn thành. Trong khi quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề chưa có. Vì vậy, việc có lập dự án và quyết định đầu tư hay không chẳng khác nào "mò kim đáy bể", khiến lãnh đạo nhiều trường băn khoăn. Thực tế, có trường đã đệ trình phương án quy hoạch cho cơ quan chức năng, song khó được phê duyệt bởi hạ tầng kỹ thuật tại khu vực khó đáp ứng quy mô dự án. Trong khi nhu cầu chỗ ở cho học sinh, sinh viên rất lớn. Chẳng hạn như Trường Đại học (ĐH) Bách khoa, hiện có khoảng 20.000-25.000 sinh viên thiếu chỗ ở tập trung. Trường ĐH Ngoại thương, mới chỉ có một ký túc xá 2 tầng, sức chứa hơn 500 người, đáp ứng 5% nhu cầu sinh viên của nhà trường.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, Sở Xây dựng đã kiểm tra thực địa, làm việc với 10 cơ sở đào tạo lớn và đã kiến nghị UBND TP Hà Nội xem xét theo hướng cơ sở nào có quy hoạch phát triển, có quỹ đất sạch trong khuôn viên nhà trường đang sử dụng thì xem xét cho đầu tư dự án xây dựng nhà ở sinh viên. Cụ thể, các trường nằm trong trung tâm TP như Bách khoa, Dược, Ngân hàng, Thủy lợi cơ sở 2... đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư thì cho phép nghiên cứu trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết của trường làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Trường ĐH Ngoại thương và Thủy lợi cơ sở 1 đã có dự án đầu tư được lập, sẽ được đề nghị bố trí vốn. Với các trường ngoài trung tâm TP như ĐH Nông nghiệp, Điện lực cơ sở 2, Lâm nghiệp... Sở Xây dựng đề nghị hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, lập dự án theo quy định để được ghi vốn năm 2009. Phương án trên đã được các cơ sở đào tạo đồng tình.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Trần Văn Tất, nhà trường hiện còn quỹ đất để xây dựng ký túc xá. Trong tương lai, ĐH Bách khoa phát triển thêm cơ sở 2, cơ sở hiện tại sẽ tập trung đào tạo sau đại học cho khoảng 10.000-15.000 sinh viên vào năm 2030. Do đó, việc đầu tư xây dựng ký túc xá có thể đáp ứng nhu cầu lâu dài. Nếu được bố trí vốn sớm, ĐH Bách khoa có thể triển khai ngay xây dựng 2 tòa nhà đáp ứng chỗ ở cho khoảng 6.000 sinh viên.

Đầu tư bằng vốn ngân sách: khả thi

Theo nghị quyết của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước sẽ cấp vốn từ ngân sách để đầu tư xây dựng ký túc xá cho học sinh, sinh viên. Không phải lo gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa như nhà ở cho công nhân hay nhà ở cho người thu nhập thấp, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên rất khả thi. Vì vậy, ngoài dự án của các cơ sở đào tạo, TP đã điều chỉnh quy hoạch để xây dựng ký túc xá tập trung cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (Thanh Trì) quy mô khoảng 22.000 sinh viên; khu Mỹ Đình 2 (Từ Liêm) quy mô 8.000 sinh viên; khu Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh (Từ Liêm) quy mô khoảng 10.000 sinh viên.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn, 3 dự án này dự kiến khởi công trong tháng 9-2009 và bàn giao đưa vào sử dụng trong năm 2011. "Trước mắt, quỹ nhà này dành cho học sinh, sinh viên. Còn lâu dài, nếu các cơ sở đào tạo được quy hoạch hoàn chỉnh, TP sẽ chuyển mục đích sử dụng sang làm nhà ở xã hội cho CBCNV và người thu nhập thấp thuê ở, vì vậy sẽ không lo lãng phí khi đầu tư" - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, TP đang tìm địa điểm phù hợp đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên tại Hoài Đức, đồng thời chọn Khu đô thị Đồng Mai (Hà Đông) để tiếp tục lập dự án. TP tập trung ưu tiên cho các dự án nhà ở sinh viên, vấn đề còn lại các đơn vị được giao làm chủ đầu tư phải đẩy nhanh thủ tục lập dự án, làm rõ tổng đầu tư, lộ trình giải ngân. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị để làm ký túc xá chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài cần có quy hoạch đồng bộ nhà ở cho sinh viên theo các dự án khu đô thị đại học quy mô lớn. Vì ngoài nơi ở, sinh viên cần hạ tầng xã hội đồng bộ như thư viện, phòng học ngoài giờ, phòng thể dục thể thao, nhà ăn tập thể... Mặt khác, dự án nhà ở cho sinh viên được tăng hệ số quy hoạch, so với quy chuẩn trên phạm vi chỉ có 20% diện tích đất khu đô thị, sẽ dẫn đến sự quá tải hạ tầng kỹ thuật và không hài hòa quy hoạch chung.


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới