Top

Làm công ăn lương khó mua nổi nhà

Cập nhật 21/01/2011 13:45


Nhà xây nhiều nhưng người làm công ăn lương khó “với tới”
Tỷ lệ tiền nhà ở trong tiền lương chỉ là 54.750 đồng/tháng, quá thấp so với chi phí thực tế hiện nay. Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất điều chỉnh cơ cấu tiền lương và thu nhập theo hướng bổ sung chi phí nhà để người làm công ăn lương có đủ khả năng tự giải quyết chỗ ở.

Không thể mua được nhà

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, trong 10 năm qua (từ 2000 đến 2009), cả nước đã phát triển được thêm khoảng 706 triệu m2 (bao gồm cả cải tạo và xây dựng mới). Trong đó, diện tích phát triển nhà ở theo dự án đạt khoảng hơn 85 triệu m2 (chủ yếu tại khu vực đô thị), nhà ở do nhân dân tự xây dựng đạt khoảng 621 triệu m2, bình quân mỗi năm xây dựng được hơn 70 triệu m2.

Bộ Xây dựng đánh giá, thực tế cho thấy tình trạng phát triển nhà ở còn manh mún, tự phát, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, việc xây dựng nhà ở thiếu quy hoạch và không phù hợp với quy hoạch còn xảy ra phổ biến, chưa bảo đảm yêu cầu về chất lượng và thiếu sự giám sát, hướng dẫn của cơ quan nhà nước dẫn đến phá vỡ cảnh quan, kiến trúc và ảnh hưởng không tốt đến môi trường sống.

Những năm qua, mặc dù Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách để làm tăng nguồn cung về nhà ở cho thị trường, góp phần làm giảm giá nhà ở nhằm tạo điều kiện cho những người có thu nhập trung bình có khả năng tạo lập chỗ ở. Tuy nhiên, do các chính sách được ban hành còn chưa đồng bộ nên giá nhà ở luôn tăng cao, vượt quá khả năng về tài chính của một bộ phận lớn dân cư, đã dẫn đến sức ép về nhà ở ngày càng tăng, nhất là nhà ở tại khu vực đô thị. Nhiều người dân, đặc biệt là người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp không thể tạo lập được chỗ ở cho bản thân và gia đình.

Hiện nay, nếu xét chỉ số giá nhà/thu nhập của người dân, thì Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực (ở Việt Nam từ 24,5 đến 26,6), trong khi ở khu vực Nam Á là 6,25, Đông Á là 4,14, châu Phi là 2,21, châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ là 6,25, Mỹ La tinh và Caribê là 2,38. Trong khi theo tính toán của Liên hợp quốc thì chỉ số giá nhà/thu nhập của người dân khoảng từ 3 đến 4 là hợp lý.

Điều chỉnh tiền lương

Tổng điều tra mới nhất về nhà ở cho biết, chỉ tiêu nhà ở hiện đạt khoảng hơn 16,7m2/người, tăng gần gấp đôi so với diện tích bình quân năm 1999 là 9,68m2/người.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, từ năm 1991, Nhà nước đã đưa tiền nhà ở vào tiền lương để người làm công ăn lương tự chủ trong việc tạo lập chỗ ở cho bản thân và gia đình, nhưng với cơ cấu tiền nhà ở tính trong tiền lương mới đạt từ 8 - 10%, trong khi giá cả ngày càng tăng cao, chi phí cho nhà ở ngày càng lớn so với mức tiền lương thực tế được chi trả, trong khi đó đã nhiều năm Nhà nước không bố trí vốn để đầu tư phát triển nhà ở.

Vì vậy, thời gian vừa qua, những người hưởng lương từ ngân sách, công nhân khu công nghiệp, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị không có khả năng tạo lập chỗ ở cho mình, gây nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Bộ Xây dựng phân tích: “Từ năm 1993, khi thực hiện cải cách tiền lương, với mức lương tối thiểu là 120.000 đồng/tháng, trong đó tiền nhà ở là 9.000 đồng, thì tỷ lệ tiền nhà ở trong tiền lương chiếm 7,5%. Mặc dù mức lương tối thiểu đã tăng lên 730.000 đồng/tháng như hiện nay, nhưng tính theo tỷ lệ trên thì tiền nhà ở trong tiền lương cũng chỉ là 54.750 đồng/tháng”.

Tìm lời giải nhà ở cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương ngân sách, Bộ Xây dựng cho rằng, Nhà nước cần trực tiếp đầu tư hoặc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển quỹ nhà xã hội để cho thuê. Đồng thời, ban hành cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở giá thấp (có diện tích trung bình và nhỏ) để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua theo hình thức trả tiền một lần hoặc trả dần.

Người mua, thuê hoặc mua nhà ở giá thấp phải được vay vốn ưu đãi. Đặc biệt, từng bước cần có giải pháp điều chỉnh cơ cấu tiền lương và thu nhập theo hướng bổ sung chi phí nhà ở để cán bộ, công chức, viên chức có đủ khả năng tự giải quyết chỗ ở của mình.

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô