Lạm phát đang từng bước được kiềm chế và đây sẽ là điều kiện để xem xét nới lỏng dần tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực bất động sản, nhận định trên do chính Ngân hàng nhà nước vừa đưa ra.
Địa ốc Hà Nội có thể được nới lỏng tín dụng. Ảnh: landnet
Lãi suất cao và chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm nay đã khiến chủ đầu tư của các khu đô thị không thể trông đợi vào việc vay vốn từ các ngân hàng. Trong khi đó, người dân chẳng mấy thiết tha với những dự án trên giấy. Thế nên, nhiều chủ dự án không còn cách nào khác là phải hình thành xong các sản phẩm rồi mới tính chuyện chào bán. Chính vì vậy, nguồn vốn thay vì dàn trải ra nhiều dự án như trước, thì nay đã được chủ đầu tư tập trung lại vào một dự án như là cách vượt khó vào lúc này.
“Từ đầu quý 2 trở lại đây, các ngân hàng gần như dừng mọi khoản cho vay đối với các dự án bất động sản. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn đẩy mạnh thu hồi vốn để đưa dư nợ vay về dưới mức 16% vào cuối năm nay theo yêu cầu của NHNN. Chưa bao giờ tín dụng cho BĐS lại bị thắt chặt như lúc này”, ông Tô Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty BĐS Xuân Cầu cho biết.
Thực tế cho thấy, ở một nước như Việt Nam, thị trường bất động sản cũng là một động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nếu để thị trường này đóng băng thì rất dễ gây ra những hệ lụy không tốt cho nền kinh tế. Chính vì vậy, việc cần nhìn nhận thực tế để có chính sách tín dụng cho thị trường bất động sản phát triển một cách hợp lý là điều NHNN hiện đang tính đến.
Quyết tâm thắt chặt tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đã giúp lạm phát từng bước được kiểm soát. Chính vì vậy, trong một văn bản mới đây, NHNN đã cho thấy sự nới lỏng phần nào khi loại một số dự án BĐS sắp hoàn thành và dự án nhà ở xã hội ra khỏi diện kiểm soát cho vay. Tuy nhiên, có vẻ như các ngân hàng thương mại vẫn rất thận trọng khi mở tín dụng cho lĩnh vực này.
Những động thái gần đây của ngân hàng nhà nước cho thấy, ngân hàng nhà nước cũng đã thấy được rằng, chính sách thắt chặt tiền tệ thời gian qua đã làm cho hiện tượng bong bóng trên thị trường BĐS xì hơi đáng kể. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đẩy mạnh điều này có thể dẫn đến tình trạng thị trường đóng băng và đây là điều không có lợi cho cả nền kinh tế lẫn chính hệ thống ngân hàng. Do vậy, các bước đi phù hợp đang được tính đến.
Bên cạnh đó, việc xem xét nới lỏng tín dụng tiêu dùng ở mức hợp lý trong thời gian tới cũng được NHNN cho là sẽ hỗ trợ đáng kể cho thị trường BĐS. Bởi điều này giúp cho thị trường mua bán nhà ở, căn hộ khởi sắc hơn, qua đó giúp tiêu thụ phần nào lượng hàng hóa BĐS đã làm ra nhưng còn đang ế đọng.
DiaOcOnline.vn - Theo VTV
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: