Top

Kỳ vọng thoát “ám ảnh” dự án treo

Cập nhật 03/01/2019 10:37

Dự án treo là nỗi ám ảnh của người dân tại TPHCM. Những dự án không khả thi nhưng kéo dài hàng chục năm tạo nên những khu ổ chuột nhếch nhác, nhà cửa xuống cấp, quyền lợi của người dân treo theo dự án… Thời gian gần đây chính quyền TP cùng các sở ngành chức năng đã kiên quyết xử lý những dự án không khả thi để trả lại quyền lợi cho người dân.

Các cấp vào cuộc xóa dự án treo

Đường D9, phường Tây Thạnh hiện là một trong những con đường khang trang trên địa bàn quận Tân Phú. Con đường rộng hơn 30m, ở giữa có bãi cỏ cây xanh là nơi vui chơi, sinh hoạt, tập thể dục của người dân; 2 bên đường nhà cửa khang trang. Nhưng ít ai biết rằng khu vực này từng là một dự án bị kéo dài hàng chục năm.

Trong 180 dự án bị thu hồi, Sở TN-MT đã làm việc với các quận huyện, chủ đầu tư để xem xét những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến dự án bị chậm trễ, trên cơ sở đó có quyết định cuối cùng.

Ông Nguyễn Toàn Thắng,
Giám đốc Sở TN-MT


Bà Biên, một người dân ở đây cho biết, trước kia toàn bộ khu vực 2 bên đường D9, một phần khu vực đường Tây Thạnh được quy hoạch là công viên cây xanh. Tuy nhiên dự án không được triển khai, nhà cửa người dân xuống cấp. Sau nhiều năm dự án được xóa sổ, quyền lợi của người dân được phục hồi. Con đường D9 rộng hàng chục mét hiện nay một phần  bên dưới là lớp cống hộp được thay thế cho dòng kênh đen trước đây.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, nguyên Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho biết thời gian qua rất nhiều quy hoạch được chính quyền “vẽ” ra nhưng không khả thi. Điển hình là việc hầu như con hẻm cũng bị “quy hoạch lộ giới” nhưng rất ít hẻm nào được mở rộng hoặc không biết bao giờ được triển khai, trong khi khi người dân muốn xây dựng, sửa chữa các cấp chính quyền đều “vin” vào quy hoạch để làm khó. Giấy chủ quyền nhà đất cũng bị “quy hoạch” nên giá trị bị ảnh hưởng rất nhiều.

Chính quyền quận Tân Phú đã xuống cơ sở để lắng nghe dân, xem cái nào khả thi, cái nào không khả thi để có những quyết định hợp lòng dân. Hàng trăm “lộ giới hẻm” đã được xóa từ những lần đi cơ sở như vậy, những con hẻm nào khả thi cho làm ngay.

Những tháng cuối năm 2018, TPHCM đã đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất 180 dự án giai đoạn 2015-2018 với tổng diện tích hơn 1.000ha. Trước đó TP cũng đã “xử” 547 dự án với tổng diện tích hơn 5.000ha. Động thái này cho thấy sự kiên quyết của chính quyền TP đối với các dự án treo gây bức xúc cho xã hội, lãng phí tài nguyên đất…

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết ngành TN-MT TP đã phối hợp với UBND các quận huyện rà soát 2.822 dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015-2018. Kết quả có 598 dự án đã thực hiện xong với tổng diện tích 1.063ha, đang thực hiện 1.541 dự án, đưa ra 180 dự án ra khỏi kế hoạch sử dụng đất.

                                   
Khu quy hoạch Bình Quới-Thanh Đa mang gông “án treo” hơn 26 năm vẫn chờ…

Công khai, minh bạch quy hoạch

Những động thái trên cho thấy chưa bao giờ chính quyền TP lại mạnh tay với dự án treo như hiện nay. Đây là việc làm hết sức cần thiết mà lâu nay dường như các cơ quan chức năng còn “du di” với chủ đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, cho biết công tác quy hoạch trên địa bàn TPHCM lâu nay chất lượng chưa cao. TP đang lấy ý kiến của các chuyên gia, cơ quan chuyên môn để trình Thủ tướng điều chỉnh lại quy hoạch chung của TP. Việc làm này nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung của TP với các địa phương lân cận. Cũng trên cơ sở đó xóa bỏ những đồ án quy hoạch không khả thi.

Liệu những bất cập trong công tác quy hoạch có còn tái diễn? Quyền lợi hợp pháp của người dân có còn bị treo theo các đồ án, dự án được các cơ quan có thẩm quyền “vẽ” ra? Theo các chuyên gia, lẽ ra quy hoạch kinh tế-xã hội đi trước sau đó mới đến quy hoạch không gian.

Nhưng chúng ta làm quy hoạch không gian trước, nhà quy hoạch thỏa sức tưởng tượng ra nơi đó sẽ là khu công nghiệp, trung tâm tài chính hiện đại, khu đại học… và hiển thị ra bằng những hình vẽ xanh đỏ, sau đó treo lên. Nhưng khi triển khai thực tế, những vùng quy hoạch đó không hấp dẫn nhà đầu tư, không có khả năng sinh lời, kêu gọi mãi không ai đến, còn người dân bị rơi vào “bẫy quy hoạch”.
Hậu quả, họ phải chờ đợi mòn mỏi năm này qua năm khác. Điển hình như dự án khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa trên bán đảo Thanh Đa bị treo suốt 26 năm, cũng là bấy nhiêu năm người dân sống trong cảnh khốn đốn.

Điều quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch về quy hoạch, kiến trúc, giá đền bù giải tỏa, phương thức tái định cư, những chủ thể tham gia khai thác BĐS sau khi dự án hoàn thành. Nghĩa là trên tất cả phương diện, từ lợi ích được hưởng và đến những rủi ro và thiệt thòi người dân sẽ phải gánh chịu.

Và quan trọng hơn, cán bộ quản lý và những người làm công tác quy hoạch phải thường xuyên đi cơ sở, gần dân, sát dân mới hy vọng hạn chế tối đa quy hoạch treo, xóa bỏ những quy hoạch không khả thi để trả lại quyền lợi cho dân. Đây cũng là nền tảng để TPHCM xây dựng những khu dân cư ngày càng khang trang, sạch đẹp.


Diaoconline.vn – Theo Báo Sài Gòn Đầu Tư