Top

Kỳ vọng rút ngắn ngoạn mục hành trình đăng ký nhà đất

Cập nhật 19/08/2015 14:24

Đây là mục tiêu đầy tham vọng của các cơ quan quản lý khi xây dựng cơ chế liên thông 3 nhóm thủ tục hành chính: Công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất nhà đất và nộp thuế phí.

Ảnh minh họa

Tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành theo thẩm quyền cơ chế liên thông trong thực hiện các thủ tục hành chính về công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và các loại thuế, phí, lệ phí liên quan.

Cũng tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện mô hình liên thông các thủ tục này.

Có thể coi đây là “mũi tên nhằm nhiều đích”, bởi liên quan trực tiếp đến ít nhất 2 chỉ số chủ chốt mà Ngân hàng Thế giới dùng để “chấm điểm” mức độ cạnh tranh của các nền kinh tế: Đăng ký tài sản và cấp phép xây dựng.

Cơ sở pháp lý cho mô hình liên thông này cũng đã đầy đủ, với Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, được Thủ tướng ban hành theo một Quyết định hồi cuối tháng 3 vừa qua.

Tại phiên họp mới đây của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết hiện nay Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính đang phối hợp xây Thông tư liên tịch triển khai cơ chế liên thông mà Chính phủ đã yêu cầu.

Mất hàng chục lần đi lại

Thời gian qua, nhiều cải cách về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được triển khai, đặc biệt việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp tại các địa phương đã giúp giảm đến 30 thủ tục cho người dân.

Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục đăng ký nhà đất vẫn là một “gánh nặng” lớn với người dân. Do thiếu sự liên thông về thủ tục nên buộc người dân phải thực hiện nhiều thủ tục riêng lẻ khác nhau tại ba cơ quan, tổ chức là công chứng, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan thuế. Không chỉ mất từ 8-10 lần đi lại, người dân còn phải làm nhiều thủ tục con phát sinh, phải nộp đi nộp lại những giấy tờ đã ở khâu trước đó.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) thì mặc dù đã có quy định về luân chuyển hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính theo hướng đầu mối tiếp nhận là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để chuyển hồ sơ cho cơ quan thuế, tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện thủ tục hành chính này vẫn còn nhiều hạn chế.

Thực tế, một số tổ chức hành nghề công chứng, văn phòng đăng ký đất đai đã tự liên kết với nhau để liên thông về thủ tục. Tuy nhiên, do hoạt động liên thông chưa được thể chế hóa nên những hình thức ủy quyền, liên kết tự phát chưa thống nhất, công khai minh bạch, người dân phải chịu chi phí dịch vụ cao, trong một số trường hợp phát sinh tiêu cực, không kiểm soát được.

Thủ tục rườm rà là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực nảy sinh. Tại chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 5 do HĐND TP Hồ Chí Minh tổ chức hồi tháng 5, theo ý kiến cử tri thì thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn là một lĩnh vực mà người dân phải “bôi trơn” nhiều nhất để không cản trở công việc, không tốn thời gian đi lại, thậm chí “sai cũng bôi trơn và đúng cũng bôi trơn”.

Tiết kiệm 80% chi phí

Theo Bộ Tư pháp, với quy trình liên thông dự kiến, người yêu cầu công chứng (cá nhân, tổ chức) chỉ trực tiếp liên hệ ở một cửa duy nhất là tổ chức hành nghề công chứng. Tại đây, người yêu cầu công chứng tuyên bố ý chí của mình về việc chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn… quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan, tổ chức có liên quan như văn phòng đăng ký đất đai, thuế, xây dựng để tra cứu, xác minh các thông tin nhằm bảo đảm tính xác thực và tính hợp pháp của các nội dung hợp đồng, giao dịch.

Các tổ chức hành nghề công chứng cũng đứng ra tổ chức cho các bên trực tiếp ký kết hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên; thay mặt các bên liên hệ với cơ quan thuế, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất làm các thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, nộp thuế và chuyển trả kết quả cuối cùng cho cá nhân, tổ chức yêu cầu công chứng.

Nếu mô hình liên thông này được áp dụng, cá nhân, tổ chức chỉ phải đi lại 2 lần thay vì hàng chục lần như hiện nay. Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cũng sẽ giảm mạnh, theo ước tính của Bộ Tư pháp thì chỉ còn 70 tỷ đồng mỗi năm, tiết kiệm 80% so với trước khi liên thông (trên 356 tỷ đồng).

Tuy nhiên, cũng có những nghi ngại rằng tổ chức hành nghề công chứng tiếp nhận và nắm giữ giấy tờ nhà đất và tiền thuế của cá nhân, tổ chức có thể sẽ gây ra rủi ro cho người dân do thiếu cơ chế quản lý và quy trách nhiệm.

Tuy nhiên, theo những người tham gia xây dựng quy trình liên thông, Luật Công chứng 2014 đã quy định rất cụ thể về bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng, cũng như quy định về xử lý vi phạm đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng… Đặc biệt, Luật cũng quy định tổ chức hành nghề công chứng phải mua bảo hiểm bắt buộc cho công chứng viên. Do đó, rủi ro sẽ được ngăn ngừa.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng