Top

Kinh doanh bất động sản: Những con sâu làm rầu nồi canh

Cập nhật 08/12/2017 13:57

Bên cạnh hầu hết doanh nghiệp địa ốc làm ăn chân chính, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn một số doanh nghiệp kinh doanh không lành mạnh, ảnh hưởng đến khách hàng, tác động tiêu cực đến thị trường.


Khách hàng điêu đứng

Hơn 300 khách hàng mua căn hộ tại Dự án Chung cư Đại Thành trên địa bàn quận Tân Phú (TP.HCM) đang trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, bởi đã ký hợp đồng mua bán hơn 7 năm, nhưng tới nay vẫn chưa nhận được nhà, trong khi chủ đầu tư gần như đã mất khả năng hoàn thiện dự án.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh N.T.T, chủ hợp đồng mua căn hộ B.14.1 cho biết, Chung cư Đại Thành là dự án do Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ sản xuất Đại Thành (Công ty Đại Thành) làm chủ đầu tư, được chào bán ra thị trường từ năm 2010 với giá 12,7 triệu đồng/m2.

“Lúc ký hợp đồng mua bán, chủ đầu tư hứa hẹn sẽ giao nhà cho khách hàng vào tháng 6/2012, nhưng đến nay, tôi vẫn chưa biết căn nhà của mình như thế nào”, anh T. cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, khoảng tháng 9/2013, tại buổi họp giữa chủ đầu tư và hơn 300 khách hàng nhằm tháo gỡ khó khăn, đại diện Công ty Đại Thành đã đưa ra phương án cần thêm 99 tỷ đồng để hoàn thiện và giao nhà trong tình trạng sử dụng được với những điều kiện cơ bản, nhưng khách hàng phải đóng đủ 100% giá trị căn hộ. Thời gian bàn giao nhà là tháng 6/2014. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn “án binh bất động” và chưa biết khi nào được khởi động trở lại.

Nghiêm trọng hơn, hàng trăm khách hàng mua nhà tại Chung cư Gia Phú (số 68 -72 Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM) đang đứng ngồi không yên khi Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú, chủ đầu tư dự án bán một căn hộ cho nhiều người rồi “ôm tiền” biến mất.

Bà Phạm Thị Minh Toàn, nạn nhân, đồng thời cũng là đại diện cho cư dân ở đây chia sẻ, bà mua căn hộ B4-9 với giá trên 1 tỷ đồng. Theo cam kết, chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà vào quý I/2013, nhưng khi đóng hơn 800 triệu đồng cho chủ đầu tư, gần đến ngày nhận nhà, bà Toàn chỉ nhận được những lời hứa suông từ lãnh đạo của Công ty Gia Phú. Sau đó, bà Toàn tá hỏa khi phát hiện căn hộ mình mua đã bị chủ đầu tư bán cho 4 người khác.

“Để có được tiền đóng cho chủ đầu tư đúng tiến độ, chúng tôi phải dùng số tiền tích góp nhiều năm, thậm chí vay mượn của người thân, ngân hàng. Trong khi đó, kể từ ngày bị khách hàng ‘vạch mặt’, chủ đầu tư đã bỏ trốn, dự án ngưng trệ, nhiều khách hàng như tôi lâm vào cảnh bi đát”, bà Toàn nói.

Kinh doanh cần có đạo đức

Nhìn nhận về vấn đề này, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, đa số chủ đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn Thành phố đều có trách niệm, có tâm, văn hoá doanh nghiệp, đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, phục vụ người nhu cầu của khách hàng. Cùng với đó cũng có nhiều doanh nghiệp môi giới uy tín, đã góp phần quan trọng trong kết nối chủ đầu tư với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp bị khiếu nại, tố cáo, hoạt động kinh doanh không lành mạnh, ảnh hưởng đến khách hàng, tác động tiêu cực đến thị trường, như hành vi “bán chênh”, thế chấp dự án và căn hộ dự án đã bán cho người tiêu dùng; một căn hộ bán cho nhiều người, giao nhà không đúng tiến độ, không đảm bảo chất lượng như đã cam kết, đưa thông tin không đúng sự thật để lừa dối khách hàng…

“Trong năm 2017, Hiệp hội đã gửi gần 20 văn bản đến cơ quan chức năng nhằm cảnh báo về các công ty kinh doanh bất chính như Kim Phát, Việt Hưng Phát…, gần đây nhất là Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba, với mục đích bảo vệ quyền lợi của người mua nhà”, lãnh đạo HoREA nhấn mạnh.

Đứng về góc độ pháp lý, luật sư Trương Thị Hoà, Phó chủ tịch HoREA cho biết, hiện nay có nhiều điều luật quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Cạnh tranh, Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Đặc biệt, Bộ luật Hình sự sửa đổi có thêm quy định xử lý hình sự pháp nhân, trong đó có pháp nhân thương mại.

“Điều này có nghĩa, hành vi lừa dối, gian lận trong kinh doanh bất động sản sẽ bị xử lý hình sự”, bà Hòa nói.

Một số chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, ngoài việc tuân thủ nghiêm các luật định của pháp luật, cũng cần phải xây dựng và giữ gìn đạo đức kinh doanh. Có như vậy mới tạo nên một môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh, xã hội ổn định.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản