Một nhà máy chế biến thủy sản tại huyện Kiên Lương (Kiên Giang) vừa bị UBND tỉnh phát hiện tự ý lấn biển gần gấp đôi quy mô cho phép, với diện tích vi phạm lên đến hơn 5,3ha!
Khu vực hơn 5,3ha lấn biển trái phép - Ảnh: Nguyễn Triều |
Đó là dự án “Khu lấn biển nhà máy chế biến thủy sản” tại ấp Hòn Chông (xã Bình An, huyện Kiên Lương), do Công ty TNHH MTV Tiến Triển làm chủ đầu tư.
Dự án của Công ty Tiến Triển được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch từ năm 2012 với quy mô 7ha, tiếp giáp bờ biển và khu neo đậu tàu thuyền cửa kênh Lung Lớn 2.
Cuối năm 2014, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cũng được UBND tỉnh phê duyệt và các hoạt động san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng đồng loạt được triển khai.
Hoạt động tấp nập
Từ trung tâm huyện Kiên Lương, theo tỉnh lộ 11 rẽ về hướng hòn Phụ Tử, đến cống ngăn mặn kênh Lung Lớn 2 là gặp tấm bảng “Công ty TNHH MTV Tiến Triển - Bến thủy nội địa” hướng dẫn đường vào dự án cách đó 250m.
Ngay cổng vào dự án, chủ đầu tư cho lập một trạm gác để kiểm soát và thu phí xe ra vào. Vừa qua trạm gác là bến tàu du lịch, là nơi neo đậu và đón khách của các canô chuyên phục vụ khách du lịch từ bờ ra các đảo thuộc quần đảo Bà Lụa (xã đảo Sơn Hải) và xã đảo Hòn Nghệ.
Trên bến là nhà phục vụ hành khách rộng hàng trăm mét vuông, bên trong có quán cà phê. Đi tiếp ra hướng biển là bãi đậu ôtô, khu vực neo đậu tàu cá, cảng lên xuống hàng hóa, khu vực sơ chế hải sản...
Phía sau các hạng mục kể trên là một khu đất rộng gần chục hecta được san lấp bằng cát sỏi khá bằng phẳng. Một khu nhà xưởng đang được xây dựng dang dở bằng gạch, chưa kịp lợp mái với vài ba công nhân đang làm việc bên trong.
Phần lớn diện tích đã san lấp còn để trống, ngoại trừ một số khu vực được dùng làm sân phơi cá cơm.
Có mặt tại đây ngày 21-5, phóng viên ghi nhận các hoạt động bên trong diễn ra khá tấp nập. Nhiều lượt xe chở khách du lịch ghé lại để khách xuống canô đi tham quan các đảo. Các tàu cá cũng cập bến lên xuống hàng, một số neo đậu ngay tại bến.
Một số chủ xe cho biết xe đưa khách du lịch hay vận chuyển hàng hóa và tàu thuyền cập cảng đều phải nộp phí theo lượt cho nhân viên quản lý tại đây.
Với những hoạt động diễn ra nhộn nhịp như vậy, ít ai biết rằng dự án quy mô này đang xây dựng không phép và không đúng với quy hoạch ban đầu.
Nhà xưởng rộng 2.300m2 xây không phép trong khuôn viên dự án - Ảnh: Nguyễn Triều |
Xây dựng lẫn lấn biển đều không phép
Cuối năm 2016, phát hiện một số dấu hiệu vi phạm nên Sở Kế hoạch và đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang lập đoàn liên ngành kiểm tra toàn bộ quá trình thực hiện dự án của Công ty Tiến Triển.
Kết quả kiểm tra cho thấy chủ đầu tư đã vi phạm hàng loạt quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng và không tuân thủ quy hoạch, báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án quy mô 7ha đã được phê duyệt.
Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, phê duyệt quy hoạch dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư không tiến hành các thủ tục tiếp theo để được giao đất, cấp phép xây dựng mà tự ý triển khai san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng.
Đến cuối năm 2016, khi đoàn kiểm tra vào cuộc, toàn bộ 7ha phạm vi dự án đã được san lấp hoàn thiện mặt bằng. Chủ đầu tư đã cho xây kè bằng đá hộc dọc kênh Lung Lớn 2, xây dựng ba cầu cảng hành khách và lên xuống hàng hóa, đóng cọc bêtông cho hai cầu cảng khác.
Ngoài một nhà xưởng chế biến hải sản đã đi vào hoạt động, một nhà xưởng khác rộng 2.300m2 đang thi công dang dở và một nhà phục vụ khách du lịch rộng 375m2 đang được đầu tư (đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng).
Tất cả các hạng mục này đều xây dựng không phép. Riêng nhà phục vụ du khách, cầu cảng hành khách, du lịch, cầu cảng hàng hóa đều không có trong quy hoạch được duyệt.
Nghiêm trọng hơn, ngoài phạm vi 7ha được UBND tỉnh Kiên Giang duyệt quy hoạch, Công ty Tiến Triển còn san lấp lấn thêm 53.749,6m2 (làm tròn hơn 5,3ha) mặt biển, ngay khu vực tiếp giáp rừng phòng hộ.
Ông Trần Hữu Nghị - giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Kiên Giang - cho biết toàn bộ phần diện tích hơn 5,3ha mà Công ty Tiến Triển lấn thêm chưa được quy hoạch, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường hay bất kỳ thủ tục đầu tư nào.
Thế nhưng giải thích với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Thành Sơn - giám đốc Công ty Tiến Triển - cho rằng công ty không cố ý lấn chiếm, mà chỉ vì “trong quá trình thi công san lấp mặt bằng chủ quan không đo đạc thực tế làm phát sinh dôi dư diện tích”.
Đình chỉ thi công, xử phạt
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 22-5, ông Mai Văn Huỳnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết ngày 19-5 ông đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan để xử lý trường hợp vi phạm này.
“Trước mắt, UBND tỉnh đã chỉ đạo đình chỉ các hoạt động thi công, xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu chủ đầu tư từ đây đến cuối năm phải hoàn tất các thủ tục về đất đai, xây dựng đối với phần dự án 7ha đã được duyệt.
Riêng phần diện tích 5,3ha san lấp trái phép sau khi xử lý hành chính, chủ đầu tư muốn thực hiện dự án phải tiến hành các thủ tục xin chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết theo quy định để UBND tỉnh xem xét” - ông Huỳnh nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: