Top

Kịch bản bất động sản nửa cuối năm 2020

Cập nhật 10/07/2020 09:05

Các sản phẩm bất động sản phân khúc bình dân, trung cấp vẫn sẽ giao dịch tốt, thu hút người mua, nhà đầu tư trong sáu tháng cuối năm nay.

Thị trường bất động sản sáu tháng cuối năm vẫn có nhiều tín hiệu khả quan. Ảnh minh họa: QUANG HUY

Dù Việt Nam đã kiểm soát tốt nhưng dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại các nước trên thế giới. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản (BĐS) nước ta. Bức tranh hai gam màu sáng, tối

Ông Phan Công Chánh, chuyên gia đầu tư BĐS cá nhân, cho biết thị trường chưa thể tiến triển tốt nhanh chóng do nhiều lý do. Thứ nhất, ẩn số dịch chưa có lời giải, rất khó biết khi nào có thể hết dịch hoàn toàn. Do đó, nhà đầu tư vẫn còn mang tâm lý e ngại.

Tuy nhiên, theo ông Chánh, BĐS vẫn có hy vọng nhờ bệ đỡ từ bài toán đầu tư công. Khi có các dự án đầu tư đi vào khởi động sẽ kéo theo sự hoàn thiện các công trình điện, đường, trường, trạm. Từ đó tác động tích cực đến thị trường BĐS. Phân khúc truyền thống như đất nền, nhà phố, căn hộ vẫn ổn, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng còn khó khăn. Đối với BĐS công nghiệp, dù thị trường đang tốt nhưng chỉ thuận lợi với những chủ đầu tư đã có dự án.

“Như vậy, có thể nói bức tranh thị trường từ nay đến cuối năm sẽ có hai gam màu tối và sáng. Gam màu chính vẫn là màu xám, vì tính thanh khoản BĐS đã tắc trong quý I và quý II. Vài điểm sáng là thị trường sôi động ở một số khu vực mang tính cục bộ nhờ tác động tích cực từ các dự án đầu tư hạ tầng” - ông Chánh nói.

TS Lê Bá Chí Nhân cũng cho rằng nửa cuối năm chỉ có phân khúc bình dân và trung cấp tiếp tục thu hút nhà đầu tư. Cụ thể, phân khúc nhà phố giá dưới 5 tỉ đồng vẫn sẽ có nhiều giao dịch. Với căn hộ thì thấp và trung cấp có giá dưới 2 tỉ đồng mới có thể hy vọng giao dịch tốt. Riêng sản phẩm đất nền thì những dự án vùng ven TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, những nơi có các dự án hạ tầng lớn như sân bay, cầu, đường… sẽ hút khách, đặc biệt là đất nền có giá dưới 1,5 tỉ đồng.

Điều mà ông Nhân lo ngại hiện nay là diễn biến của dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại tại các nước có sự giao thương nhiều với Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu... Ngoài ra, báo cáo cho thấy số lượng các công ty tạm ngừng hoạt động, lao động thất nghiệp đang tăng. Điều này cho thấy tác động của dịch COVID-19 là rất lớn. Khi sản xuất, kinh doanh khó khăn, dòng tiền đổ vào BĐS sẽ giảm mạnh.

“Vì vậy, có thể phải chờ đến quý II-2021 thị trường mới có thể hồi phục, giao dịch mới có thể sôi động trở lại” - TS Nhân chia sẻ.

Tiền nhàn rỗi nên đầu tư ba kênh

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thị trường BĐS đang còn rất lình xình do ảnh hưởng của dịch chứ chưa hoàn toàn khởi sắc. Nguồn cung không nhiều, nhu cầu lại giảm, vì vậy các nhà kinh doanh BĐS cần hết sức tỉnh táo, đắn đo trong vấn đề đưa ra các dự án lớn.

Trong năm kênh đầu tư: Vàng, BĐS, chứng khoán, ngoại tệ, tiền gửi ngân hàng thì lời khuyên của ông Hiếu là nhà đầu tư phải nhắm vào ba tiêu chí để xuống tiền trong nửa cuối năm 2020. Thứ nhất là sự an toàn vốn, bỏ vào kênh đầu tư nào mà không sợ mất vốn. Thứ hai, phải có sinh lời. Tiêu chí thứ ba là thanh khoản linh hoạt, đổi ra tiền mặt nhanh nhất có thể.

Kênh đầu tư thực sự an toàn nhất vào thời điểm này có thể nói vẫn là tiền gửi ngân hàng nhưng điểm yếu là tỉ lệ sinh lời thấp. Kênh đầu tư cho lợi nhuận nhất hiện nay có thể nói là vàng. Tính thanh khoản và an toàn vốn của kênh này cũng rất tốt nhưng rủi ro vẫn cao nếu không tính toán kỹ. Trong khi đó, kênh chứng khoán nước ta lại phụ thuộc vào thị trường chứng khoán thế giới, với ngoại tệ cũng tương tự. Khi dịch bệnh vẫn đang hoành hành, chứng khoán và ngoại tệ vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro. Đối với kênh BĐS thì nhà ở cho người thu nhập thấp, tầng lớp trung lưu vẫn còn có nhu cầu rất cao. Phân khúc cao cấp, nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Với những phân tích về bối cảnh của các kênh đầu tư trên, theo ông Hiếu, từ nay đến cuối năm, nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi thì nên phân bổ ra ba kênh là tiền gửi ngân hàng, vàng và BĐS.

“Nhưng nhà đầu tư không nên đầu tư kiểu ăn xổi mà cần đầu tư dài hạn. Ví dụ như vàng thì nên đầu tư 6-12 tháng, BĐS có thể lâu hơn, còn tiền gửi ngân hàng thì nên bỏ vào 1/3 nguồn vốn mình đang có” - ông Hiếu tư vấn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho rằng đây là lúc các doanh nghiệp BĐS phải thay đổi lại tư duy, từ bỏ các thói quen, cách thức vận hành cũ, tái cơ cấu cho tinh gọn hơn, chuyển hướng phát triển bền vững.

“Nhà ở với giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội vẫn có nhu cầu cao nên các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào phân khúc này, cân bằng cung cầu giúp thị trường phát triển bền vững” - ông Châu góp ý.

Đất nền, căn hộ giá 30 triệu đồng/m2 dễ thở

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa, cho rằng thị trường BĐS cũng như nền kinh tế nước ta sẽ đối mặt với rủi ro trong nửa cuối năm 2020, vì có thể có nguy cơ dịch COVID-19 quay lại. Vì vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý đến những sản phẩm chất lượng, giá hợp lý và có nhiều hỗ trợ đối với người mua về thời gian thanh toán.

Sáu tháng cuối năm nay, phân khúc trung cấp 30 triệu đồng/m2, dự án có chủ đầu tư uy tín vẫn sẽ là giao dịch chủ đạo của thị trường. Thứ hai là sản phẩm đất nền nghỉ dưỡng gần TP.HCM như Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Thuận… sẽ có cơ hội phát triển. Thứ ba, vẫn là đất nền vùng ven gần các cụm khu công nghiệp, sát TP.HCM như Long An, Bình Dương… vẫn sẽ giao dịch tốt.

BĐS đang trở thành một kênh đầu tư lâu dài chứ không còn tồn tại khái niệm đầu tư để lướt sóng trong thời gian ngắn trên dưới sáu tháng nữa. Đặc biệt, nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng vốn vay.
 

DiaOcOnline.vn – Theo PLO