Top

Khúc xương bất động sản du lịch

Cập nhật 28/09/2012 09:05

Bên cạnh nhu cầu rất lớn về vốn, bất động sản du lịch khiến các nhà đầu tư gặp khó ở cả đầu ra.


Cổng chào trước dự án Happyland.

Tin cha của Michael Jackson tuyên bố rút lui khỏi dự án trị giá 2 tỉ USD Happyland đang thu hút sự quan tâm của cả giới đầu tư lẫn truyền thông.

Khởi công ngày 14.2.2011 với sự tham gia của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đây là dự án lớn mang tầm quốc gia. Thông tin mới nhất từ Khang Thông cho hay, họ đang tập trung nguồn lực và dự kiến sẽ đưa vào khai thác hạng mục Khu Văn hóa Việt Nam (50 ha) vào trước Tết 2013. Đây chỉ là hạng mục đầu tiên trong tổng số 150 hạng mục thuộc Happyland.

Quan sát hiện trường thì thấy hạng mục này đã hoàn tất khoảng hơn 60% tiến độ. Một hạng mục khác được ghi nhận có tiến độ khả quan là khinh khí cầu có đường kính 20 m (vốn đầu tư hơn 1 triệu USD) đã được bơm căng và chờ ngày đưa vào phục vụ khách tham quan. Phần bờ kè giáp với sông Vàm Cỏ Tây dài 3,7 km (vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng) cũng đang trong giai đoạn hoàn tất.

Tuy nhiên, rất nhiều hạng mục khác của Happyland như khu công viên giải trí theo chủ đề, khách sạn 5 sao, khu mua sắm, lâu đài rượu, phim trường quốc tế... đều chưa được thi công.

Nguyên nhân dự án triển khai chậm không gì khác ngoài thiếu vốn. Đây cũng là nguyên nhân khiến các dự án du lịch trở thành “khúc xương” khó nhằn trong lĩnh vực bất động sản.

Năm 2007, Tập đoàn Tân Tạo (ITA) được cấp phép đầu tư dự án phim trường Vina Universal, vốn đầu tư 50 triệu USD. Đây được coi là dự án lớn xây dựng một trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch tổng hợp đồng thời là phim trường tầm cỡ khu vực và quốc tế trên diện tích gần 2.600 ha tại tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng đến đầu năm 2011, ITA tuyên bố không triển khai dự án nữa vì hết tiền đầu tư.

Tháng 6.2010, ông Trần Kim Chung, Chủ tịch C.T Group, cũng đã giới thiệu dự án công viên giải trí Vĩnh Lộc tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD. 2 năm đã trôi qua, dự án vẫn án binh bất động vì chưa được giao đất. Tuy nhiên, khó khăn trong việc gọi vốn có thể là nguyên nhân quan trọng hơn đang cản trở quá trình triển khai dự án này.

Với dự án Happyland, để có vốn tiếp tục triển khai các hạng mục tiếp theo của giai đoạn 1, Khang Thông cần tới sự tham gia của đối tác nước ngoài.

Ông Nguyễn Hữu Việt, Phó Tổng Giám đốc Happyland Media thuộc Tập đoàn Khang Thông, cho biết, hiện có 3 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật và Thụy Điển đang quan tâm tới dự án. Các đối tác này đang thương thảo việc tham gia góp vốn đầu tư vào hạng mục khách sạn 5 sao (1.000 phòng) tại đây.

Ông Việt cho biết thêm, Tran Group, doanh nghiệp thuộc sở hữu của một Việt kiều giàu có tại Mỹ, cũng tỏ ý quan tâm tới Happyland. Ông cho hay Khang Thông đang làm việc với kiểm toán quốc tế và ngay sau khi có kết quả sẽ gọi vốn đầu tư.

Bên cạnh nhu cầu rất lớn về vốn, bất động sản du lịch khiến các nhà đầu tư gặp khó ở cả đầu ra. Tại Hội nghị Đầu tư Bất động sản Du lịch VIREC 2011, ông Thibault Paquin, Chủ tịch Công ty Celebrating Life (Mỹ), chuyên thiết kế các khu công viên giải trí hiện đại cho rằng mô hình này dù đã phổ biến ở Mỹ và một số nước châu Á nhưng vẫn chưa thể phát triển tại Việt Nam.

“Có lẽ phải chờ thêm nhiều năm nữa người dân trong nước mới đủ sức bỏ ra từ 50-100 USD để mua vé vào cửa. Tỉ lệ gần 90% các dự án công viên giải trí bị lỗ tại Trung Quốc là điều mà các chủ đầu tư tại Việt Nam cũng nên xem xét thật kỹ”, ông Paquin cảnh báo.

DiaOcOnline.vn - Theo NCĐT