Dự án ngưng trệ, hàng tồn kho lớn, doanh nghiệp hoạt động èo uột… là tình cảnh chung của thị trường BĐS hiện nay. Để giải quyết hàng tồn kho và khơi thông thị trường, theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp phải hướng đến thị trường cho thuê và bán nhà trả góp dài hạn đang còn bỏ ngỏ.
Cho thuê và bán trả góp dài hạn
Qua khảo sát, Sở Xây dựng TPHCM cho biết trên địa bàn TP có 1.166 dự án BĐS được giao đất với tổng diện tích 13.765ha, nhưng chỉ có 195 dự án đã hoàn thành (chiếm tỷ lệ 16,7%); 815 dự án đang triển khai (69,8%), trong đó nhiều dự án đang trong giai đoạn làm thủ tục đầu tư, điều chỉnh dự án…; 122 dự án chưa triển khai do thiếu vốn, tắc đầu ra; 14 dự án tạm ngưng triển khai. Trong 11 dự án đã hoàn thành vừa được Sở Xây dựng TPHCM khảo sát, có 3.021 căn hộ và đã bán được 2.029 căn hộ, tồn kho 992 căn (chiếm 32%).
Giải pháp xử lý hàng tồn là cho thuê và bán trả góp dài hạn. Ảnh: TRÀ GIANG
Tuy nhiên, tại một cuộc hội thảo mới đây, đại diện Bộ Xây dựng cho biết số căn hộ tồn kho tại TPHCM lên đến 40.000 căn. Bởi, số nhà tồn kho Sở Xây dựng khảo sát chỉ ở 11 dự án và đây là những dự án đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Trong khi đó, tại TPHCM có rất nhiều dự án đã hoàn thiện nhưng không bán được và hàng loạt dự án đang xây dựng dở dang bị tạm ngưng. Do đó hàng tồn đang là nan giải của các doanh nghiệp hiện nay.
TS. Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển), cho rằng thị trường đang tồn tại nghịch lý: Doanh nghiệp không bán được nhà nhưng người dân vẫn thiếu nhà để ở. Tại TPHCM có 40.000 căn hộ “tồn kho”, tương đương giá trị 40.000 tỷ đồng. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng BĐS hiện nay đang thiếu 2 phân khúc: thị trường nhà cho thuê giá rẻ và nhà bán trả góp từ 20-30 năm.
Tuy nhiên, để làm việc này không đơn giản, bởi phần lớn dự án BĐS được đầu tư vốn rất lớn, do đó doanh nghiệp không thể bỏ tiền triệu mà lượm bạc cắc, trừ khi có cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước. Ngoài ra, tập quán của người dân nước ta vẫn không thích ở nhà thuê nên đó cũng là một trở ngại.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nước ta chỉ có 2% người dân thuê nhà ở. Trong khi đó, tại nhiều nước phát triển, việc sở hữu căn nhà đối với người dân dễ dàng hơn ta rất nhiều do ngân hàng cho vay 20-30 năm lãi suất ổn định, thu nhập cao, nhưng người thuê nhà để ở vẫn chiếm tỷ lệ đến 60%.
Hỗ trợ cơ chế với nhà cho thuê
Vì sao người dân Việt Nam không thích ở nhà thuê, trong khi giới chuyên gia nhận định rằng nhà cho thuê là giải pháp duy nhất để giúp người dân có thu nhập trung bình thấp có nơi an cư? Theo phân tích của một chuyên gia, tập quán của người Việt Nam là khi có tiền sẽ mua một căn nhà vừa làm nơi ở, vừa làm của để dành phòng khi làm ăn thất bại có cái để xoay xở.
Điều này còn xuất phát từ nguyên nhân khác là giá nhà ở Việt Nam qua nhiều năm luôn tăng mà không giảm. Hiện nay, sau cơn khủng hoảng BĐS lần này có thể người dân sẽ thay đổi quan niệm rằng giá nhà đất luôn tăng. Lý do khách quan thứ hai, nhiều người chưa có khả năng mua nhà 5muốn tìm thuê một căn hộ chung cư với giá bình dân khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, với thời gian thuê ổn định 10 năm để “an cư”, nhưng tìm không dễ.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và phát triển thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho rằng trong Chiến lược Nhà ở quốc gia được Thủ tướng phê duyệt có tầm nhìn đến 2030, xác định nhà cho thuê là một giải pháp để người chưa thể mua nhà có nơi an cư. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp làm nhà cho thuê.
Để khuyến khích doanh nghiệp, trước mắt Chính phủ cần miễn tiền sử dụng đất đối với dự án nhà cho thuê giá rẻ, hỗ trợ thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như hỗ trợ lãi suất tín dụng trung, dài hạn. Có được những chính sách đó, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư vào phân khúc này, vừa đảm bảo đầu ra vừa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người dân.
Khi đó người thuê nhà sẽ có chỗ ở ổn định, khang trang sạch đẹp chứ không phải như những phòng trọ ọp ẹp nhưng không ổn định và giá cũng chẳng rẻ. Và từ đó thói quen ở nhà thuê cũng sẽ dần dần thay đổi trong nhận thức của người dân, lúc đó thị trường sẽ thực sự được khơi thông.
DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: