Do lịch sử để lại, hiện có khoảng 3.800 hộ dân đang sinh sống trên khu vực di tích Kinh thành Huế (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cần phải di dời.
Hầu hết các hộ dân sống ở đây đều thuộc diện di dời, giải tỏa nhưng đều là các hộ nghèo đang sống trong những ngôi nhà dột nát, xuống cấp, môi trường không đảm bảo. Nhiều gia đình có đến hai, ba thế hệ sống chung trong những căn nhà chật chội, cũ nát.
Việc hàng ngàn hộ dân sinh sống trên di tích đã ảnh hưởng đến mỹ quan, đô thị cũng như việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích Cố đô Huế. Ước tính, tổng kinh phí để thực hiện Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế khoảng hơn 2.200 tỷ đồng.
Năm 2011, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có Quyết định số 1918/QĐ-UBND phê duyệt mức kinh phí 1.282 tỷ đồng để thực hiện Dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế.
Theo đó, UBND tỉnh giao Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thực hiện hợp phần tôn tạo, tu bổ di tích; UBND TP.Huế thực hiện hợp phần đền bù, giải tỏa mặt bằng.
Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ảnh minh họa
Mục tiêu của dự án là giải tỏa và tái định cư cho toàn bộ cư dân trong khu vực Thượng thành, Eo Bầu thuộc Kinh thành, sớm ổn định cuộc sống cho người dân và chấm dứt tình trạng lộn xộn, xâm hại di tích, đồng thời từng bước chỉnh trang, hoàn nguyên di tích và cải thiện cảnh quan chung của đô thị Huế.
Tuy nhiên, đến nay việc giải tỏa mặt bằng vẫn chưa thực hiện xong do còn vướng mắc trong chính sách hỗ trợ di dời.
Trong buổi kiểm tra, khảo sát thực tế mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã đến các điểm: Hộ thành hào đường Trần Huy Liệu; khu vực Thượng thành và Eo Bầu (thuộc các phường Thuận Thành, Thuận Hòa, Tây Lộc và phường Thuận Lộc).
Đây là các điểm thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế và hiện có khoảng 3.800 hộ đang sinh sống. Hầu hết các hộ dân ở đây đều có nhu cầu di dời đến nơi ở mới, có điều kiện tốt hơn tuy nhiên rất nhiều hộ có mức sống rất thấp, khó có đủ khả năng làm nhà mới.
Các hộ dân đều mong muốn sớm được Nhà nước quan tâm, có những chính sách hỗ trợ thích hợp để sớm ổn định cuộc sống, yên tâm sinh sống mỗi khi mùa mưa bão đến, có điều kiện để con em học tập.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: Số dân sống trên Thượng thành khá lớn, cuộc sống hàng ngày của họ đã ảnh hưởng trực tiếp đến di tích, đến sự bền vững của di tích. Rất nhiều đoạn kinh thành đã bị vỡ, bị hỏng, nứt nẻ, sụt lún khá nặng nề.
Riêng trong khu vực Kinh thành có 10 điểm "nóng" của di tích với hơn 1.000 hộ dân, đó là những điểm cần giải tỏa đầu tiên. Sau đợt khảo sát này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ làm việc với các ban ngành, địa phương thống nhất các nội dung và lộ trình thực hiện.
Do kinh phí quá lớn, tỉnh sẽ kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, sớm di dời dân ra khỏi khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế.
DiaOcOnline.vn – Theo báo Công An
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: