Nhằm giúp bạn đọc, người dân hiểu rõ hơn các vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi diện tích 26.000ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp từ nay đến năm 2020, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, về vấn đề trên.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, Báo SGGP đã nhận rất nhiều thắc mắc của người dân: Làm sao để biết được đất của mình có nằm trong diện tích 26.000ha sẽ được chuyển đổi hay không, ông có thể chỉ dẫn cách tìm hiểu?
° Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG: Đầu tiên, căn cứ vào cơ sở pháp lý, đó là ngày 19-6-2018 vừa qua Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) TPHCM.
Tiếp đó, ngày 11-8-2018, UBND TPHCM đã tổ chức Hội nghị công bố Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19-6-2018 của Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) TPHCM.
Tại hội nghị, Sở Tài nguyên - Môi trường đã ký kết, tiến hành giao cho UBND các quận - huyện và sở - ngành tài liệu và bản đồ quy hoạch sử dụng đất của TP điều chỉnh đến năm 2020 được phê duyệt để công bố và triển khai thực hiện.
Việc công bố thực hiện bằng 2 hình thức: sẽ niêm yết công khai tại trụ sở UBND quận - huyện, sở - ngành và trên trang thông tin của quận - huyện, sở - ngành. Trong trường hợp chưa rõ, người dân có thể hỏi tại Phòng Tài nguyên - Môi trường của quận - huyện để có câu trả lời đầy đủ.
Nói chung, vị trí của 26.000ha này nằm rải rác ở hầu hết các quận - huyện còn quỹ đất nông nghiệp, trong đó phần lớn là đất do hộ dân quản lý, sử dụng, chỉ có một phần là đất Nhà nước quản lý.
Về hiện trạng, một phần diện tích vẫn đang canh tác nông nghiệp, một phần không thể canh tác do bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa nên các điều kiện về thổ nhưỡng, tưới tiêu… không còn phù hợp. Chẳng hạn, các thửa đất nông nghiệp nằm xen cài trong khu dân cư; một số khu vực như ở Nhà Bè bị nhiễm phèn nặng, không thể trồng lúa hoặc chuyển đổi sang loại cây trồng khác.
Đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh. Ảnh: THÀNH TRÍ
° Khi người dân biết khu đất của mình thuộc diện 26.000ha rồi, vậy làm sao nắm được đến khi nào sẽ triển khai thu hồi để làm dự án?
° Kế hoạch sử dụng đất là việc phân chia quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất. Việc triển khai
dự án căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các quận - huyện được UBND TPHCM phê duyệt, trong đó thể hiện cụ thể địa điểm của dự án thực hiện, được niêm yết công khai tại trụ sở quận - huyện như đã nói ở trên.
Quận - huyện có trách nhiệm theo dõi, rà soát tiến độ, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà chưa có quyết định thu hồi hoặc giao đất thì đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất.
Tuy nhiên, trường hợp sau 3 năm dự án chưa có quyết định thu hồi hoặc giao đất thì đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất nhưng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng vẫn còn pháp lý.
Do vậy, nếu không điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng mà chỉ điều chỉnh, hủy bỏ diện tích thực hiện dự án trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì thực chất, khi đó người sử dụng đất chỉ được thực hiện các quyền phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt và quy hoạch sử dụng đất tại khu vực sẽ được tiếp tục thực hiện sau đó. Nội dung này sở đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến hướng dẫn thực hiện nhưng đến nay chưa nhận được hướng dẫn.
° Thưa ông, trong khi chưa thu hồi làm dự án, người dân có được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xây dựng nhà cửa, tách thửa hay không?
° Theo quy định, khi có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất thì người sử dụng đất trong phạm vi dự án thu hồi phải chấp hành thông báo hoặc quyết định thu hồi đất mà không được chuyển nhượng, góp vốn, đầu tư xây dựng....
Như vậy, trường hợp chưa có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất thực hiện dự án theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thì người dân vẫn được thực hiện các quyền (như chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo hiện trạng); còn việc chuyển mục đích sử dụng đất phải phù hợp theo quy hoạch. Người dân cũng lưu ý, việc tách thửa hay đầu tư xây dựng phải căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy định về tách thửa và xây dựng.
Về xây dựng tạm, thực hiện theo Quyết định số 27/2017/QĐ-UBND ngày 20-6-2017 của UBND TPHCM về cấp phép xây dựng.
° Nhiều bạn đọc hỏi rằng, có đất nằm trong 26.000ha, liệu có được đền bù giá cao khi làm dự án hay không?
° Trường hợp khu đất nằm trong 26.000ha thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình, thì việc thu hồi, bồi thường được thực hiện theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở quy định, chính sách chung của nhà nước mà không có sự phân biệt cao hay thấp.
Trường hợp khu đất nằm trong 26.000ha không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất, nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án theo quy hoạch.
° Cảm ơn ông!
Ứng dụng công nghệ GIS
Theo ông Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, để trả lời được một cách chính xác và đầy đủ cho câu hỏi “Hơn 26.000ha đất nông nghiệp chuyển đổi đó nằm ở đâu trên bản quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025?”, phải hình dung như sau: Do quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng được lập trên cơ sở 2 bộ luật khác nhau và phương thức sử dụng, phân tích, quy ước dữ liệu khác nhau, cần sử dụng các công cụ hệ thống thông tin địa lý (GIS) chồng các lớp bản đồ khác nhau, đồng thời sử dụng các thuật toán để xác định vị trí và phạm vi ranh giới cụ thể. Việc ứng dụng công nghệ GIS này hiện nằm trong kế hoạch chung đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM phối hợp cùng các sở ngành, đơn vị liên quan thực hiện trong Đề án đô thị thông minh của TPHCM.
DiaOcOnline.vn – Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: