Nằm giữa lòng thành phố Huế, xóm Bờ Thành là một khu ổ chuột gây trăn trở cho chính quyền địa phương. Gọi là xóm Bờ Thành vì xóm nằm sát ngay chân thành Đại Nội, phường Phú Bình, thành phố Huế. Xóm nằm dọc bờ sông Ngự Hà, một bên là dãy nhà thấp lè tè dựng trên nền đất rộng khoảng 4 m, một bên là dãy nhà chồ lấn ra mặt sông.
Hai dãy nhà đối đầu vào nhau, ở giữa có con đường nhỏ làm lối đi cho cả xóm, len qua mái hiên từng hộ gia đình.
Đất chật người đông
Cơn bão năm 1985 đẩy hàng chục hộ dân vạn đò phường Phú Bình vào cảnh vô gia cư. Đang lúc bối rối không biết về đâu, chính quyền địa phương cho phép những hộ dân này về tạm cư trên dải đất bao quanh khu di tích kinh thành Huế. Ban đầu chỉ hơn 20 hộ dân lên làm nhà. 25 năm qua, xóm Bờ Thành đã phát triển lên 118 hộ dân. Diện tích đất ở không tăng lên (khoảng 1,4 ha), trong khi số hộ gia đình và nhân khẩu tăng lên một cách nhanh chóng.
Đường vào xóm Bờ Thành |
Đất chật người đông, cảnh sống chen chúc nên nhiều người gọi xóm Bờ Thành là khu ổ chuột. Người ta gọi đây là xóm chênh vênh, xóm nhà chồ. Người dân an cư nhưng khó lạc nghiệp.
Ông Lê Viết Thịnh, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Bình, cho biết: “Đa phần hộ dân đến xóm Bờ Thành cư trú đều xin nhập KT3. Chúng tôi thật sự lo lắng về tình trạng tăng số nhà tạm, hình thành khu ổ chuột này”. Lý giải về việc hình thành nhanh chóng khu ổ chuột, ông Bình nói tiếp: “Mỗi gia đình có khoảng 12-15 m2 để làm nhà. Số nóc nhà cứ thế tăng lên vì nhiều gia đình có đến ba thế hệ chung sống”.
Môi trường sống nhếch nhác |
Điều làm người ta lo lắng nhất chính là những căn nhà trong xóm làm nền móng bằng... cọc tre. Không có tiền, bà con cắm những thanh tre mục trên sông Ngự Hà để “làm móng”. Đường vào xóm cũng là nơi sinh hoạt của cả xóm: tắm, giặt, nấu ăn... trông rất bầy hầy. “Dù biết là mất vệ sinh, chúng tui cũng phải sinh hoạt thôi, chẳng còn cách mô khác” - bà Trần Thị Lý nói.
Sống chung với rác thải và bệnh tật
Mấy chục năm qua, người dân xóm Bờ Thành phải gồng mình sống chung với rác thải và nguy cơ bệnh tật. “Sống chỗ ni, mùa mưa hay mùa nắng đều khổ”, bà Nguyễn Thị Phi nói. Cả xóm có đến trên 800 người mà chỉ có... ba nhà vệ sinh bố trí ở ba vị trí “xung yếu” đầu, giữa và cuối xóm. Cảnh người lớn, trẻ nhỏ cùng xếp hàng đi vệ sinh diễn ra thường xuyên. Ông Mai Văn Thành cho biết: “Nhà vệ sinh ni được Đại học Huế hỗ trợ xây dựng vào năm 2000. Trước đó chưa có, bà con chỉ còn cách “giải quyết” xuống sông thôi!”.
Vệ sinh không đảm bảo, cộng thêm rác thải sinh hoạt nổi lềnh bềnh trôi sông, bốc lên mùi hôi thối nồng nặc. Cư dân trong xóm thường mắc nhiều bệnh như sốt xuất huyết, viêm mũi, loét da, tiêu chảy. Anh Bùi Văn Mai bức xúc: “Cực nhất là vào mùa mưa. Xóm nằm trong vùng trũng của thành phố Huế nên nước lên rất nhanh, mang cả rác thải vào nhà. Vào mùa nắng, rác bốc mùi hôi kinh khủng”.
Cả chục hộ dân cùng dùng chung một vòi nước máy. Nhà này lấy nước vừa xong là nhà kia tranh vào tắm rửa. Dù không thiếu nước nhưng ai ai cũng mệt mỏi suốt ngày đêm vì phải “mai phục” để lấy nước. Việc dùng điện cũng lắm nhiêu khê. Vài ba hộ dân cùng chung tiền để kéo một đường dây vì chẳng ai đủ tiền để dùng riêng một đồng hồ điện.
Bao giờ hết khổ?
Cứ mỗi lần cán bộ phường Hồ Thị Diệp đi họp về, bà con trong xóm lại đón chị hỏi han, mong chờ chị báo tin vui về ngày được chuyển về khu tái định cư. Nhưng xem ra, ngày chuyển chỗ ở hãy còn xa lắm.
Điểm chung nhất mà xóm Bờ Thành có được chính là cảnh nghèo. Sinh hoạt của bà con rất chật vật. Hầu như chẳng có ngôi nhà nào là không vá víu, nơi này miếng nylon, nơi kia tấm bạt.
Cảnh khốn khó của xóm Bờ Thành |
Cư dân xóm Bờ Thành đa phần dân trí thấp. Họ chẳng có nghề nào bền vững để đủ ăn. Thu nhập của bà con phụ thuộc vào các hoạt động bán hàng rong, đạp xích lô, bốc vác... Không một mảnh đất canh tác, không nghề ngỗng gì nên cái nghèo cứ bám riết lấy số phận họ. Những căn nhà tre ọp ẹp thỉnh thoảng lại phải thay cột đỡ, lợp lại mái tôn chống dột. Nỗi lo thường xuyên cứ vậy vây quanh. Chị Diệp cám cảnh: “Nhiều khi trong xóm có đám tang, vận động mỗi hộ vài ngàn đồng mà cũng chẳng có”.
Tỷ lệ học sinh bỏ học trong xóm làm đau đầu chính quyền địa phương. Do hoàn cảnh khó khăn, nhiều em nhỏ đang độ tuổi đến trường phải bỏ học để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Toàn xóm có hơn 35 em bỏ học đi nhặt ve chai hoặc lang thang bán vé số.
Mong ước của hơn 800 nhân khẩu Bờ Thành là được chuyển đến một nơi có điều kiện sống tốt hơn, đặc biệt là có đất canh tác và không phải sống chung với mầm bệnh rình rập. Bà Hoàng Thị Mỹ Tứ, Chủ tịch UBND phường Phú Bình, cho biết: “Phường chúng tôi đã có kiến nghị lên cấp trên về phương án di dời, tuy nhiên vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mở lớp học tình thương, nâng cấp đường, cung cấp nước sạch cho bà con đỡ một chút”.
Chia tay xóm Bờ Thành vào buổi chiều, tôi gặp mấy đứa trẻ đen nhẻm, ăn mặc xơ xác, mệt mỏi về nhà sau một ngày vật lộn mưu sinh. Cha mẹ nghèo thì con cái làm sao không vất vả!
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: