Top

Khu dân cư Thăng Long ở Bình Chánh: Đàm phán khác, đền bù lại khác

Cập nhật 27/03/2008 13:00

Theo phương án đền bù được địa phương đưa ra, người dân chỉ nhận được đền bù chưa đến 1,25% so với giá thấp nhất trong khu vực

Sáng ngày 20.3, các hộ dân theo lời mời của UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh đã có mặt để nhận quyết định giao lại mặt bằng để thực hiện dự án khu dân cư Thăng Long (KDCTL). Theo quyết định này, người dân phải giao đất cho ban giải phóng mặt bằng huyện với mức giá đền bù theo khung giá nhà nước thu hồi đất. Quyết định này đã khiến người dân bức xúc.

Dự án lâu đời, hồ sơ nhập nhằng Năm 1999, một số hộ dân tìm đến mua đất cất nhà tại khu vực ấp 1, xã Bình Hưng. Lúc đó khu đất chưa quy hoạch. Tháng 10.2001, ban quản lý khu Nam ra quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất khu trung tâm công cộng và dân cư lô 9b -10, tại xã này. Khu đất có diện tích 75,33ha, chủ đầu tư là công ty TNHH KD PT nhà Sơn Nam. Sau ba năm không thấy ai đến gặp tính chuyện đền bù, đùng một cái, người dân liên tục tiếp những đoàn khảo sát, đo đạc, phát phiếu kê khai nhà cửa nhưng không phải nhân viên của Nam Sơn mà là công ty xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng số 9 (một chủ đầu tư mới thuộc tổng công ty Thương mại và xây dựng).

Tháng 3.2004, dân được mời lên xã để công bố quy hoạch, đền bù tuy nhiên mãi đến tháng 3.2007 mới bắt tay thực hiện. Ông Tiết Hùng, cư dân khu quy hoạch Thăng Long, bức xúc: “Ban bồi thường đưa ra cái giá 200.000 đồng làm sao tụi tôi đồng ý được…”

Theo công văn 527 của UBND TP.HCM, tạm giao đất cho công ty xây dựng và phát triển hạ tầng số 9, ngày 25.3.2004, UBND huyện Bình Chánh ra quyết định thành lập hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng để xây KDCTL. Dựa theo những quyết định này, các cơ quan có trách nhiệm đã họp dân thông báo dự án và giá đền bù. Đầu năm 2007, khi thị trường địa ốc có dấu hiệu hồi phục, giá đất tăng chóng mặt thì người dân tiếp tục được mời lên nhận lệnh giải toả. Công ty đầu tư và phát triển hạ tầng số 9 không thấy vào cuộc, chỉ có đơn vị chủ quản là tổng công ty thương mại  xây dựng đứng ra tiếp tục thực hiện. Cụ thể tháng 10.2007, tổng công ty có công văn gửi UBND huyện Bình Chánh và ban Bồi thường giải phóng mặt bằng đề nghị hỗ trợ thêm chi phí đền bù.

Đất thu hồi hay... kinh doanh?

Theo những văn bản đã ký, khi duyệt dự án, ban bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn là đơn vị duy nhất vào thời điểm đó đứng ra thu hồi đất. Sau khi có nghị định 181 (ngày 29.10.2004), chuyện thu hồi đất dự án mang tính kinh doanh không còn hiệu lực, tuy nhiên do được ký trước thời điểm này nên vẫn tiếp tục triển khai theo hướng nhà nước thu hồi (thực tế, dự án lại không hề được triển khai mà khung quy định cũ vẫn cứ được trưng dụng).

Năm 2007, mặc dù có nhiều quyết định khác được triển khai nhưng UBND thành phố thay vì thay đổi mục đích dự án, giao cho doanh nghiệp tự hiệp thương giá đền bù thì UBND thành phố vẫn cứ tiếp tục áp khung giá đền bù theo diện nhà nước thu hồi. Theo nghị định 84 (25.5.2007), nhà nước chỉ thu hồi đất cho những dự án mang tính phúc lợi công cộng xã hội, còn những dự án mang tính kinh doanh thì chủ đầu tư phải đứng ra hiệp thương giá đền bù với dân. Quy định là vậy, song tại dự án KDCTL điều này không xảy ra. Nếu tính thời gian dự án không thực hiện sau năm năm sẽ bị thu hồi, rõ ràng doanh nghiệp được giao đất đã không còn cơ hội tiếp tục. Chưa kể dự án đã được chuyển sang cho pháp nhân khác.

Trong quyết định của phó chủ tịch UBND Bình Chánh ký buộc người dân giao đất với khung giá đền bù 200.000 đồng/m2, đều viện dẫn những điều khoản trong các nghị định do nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên khi trả lời thắc mắc vì sao lại áp khung giá đền bù khi nhà nước thu hồi mặt bằng cho một dự án mang tính kinh doanh, ông Phan Thành Tốt, phó ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện cho biết, khung giá đền bù do phó chủ tịch UBND thành phố ký vào năm 2007, nên ban cứ thế mà làm.

Điều khiến người dân bức xúc là trong khi tổng công ty Thương mại xây dựng đang tiến hành đàm phán với dân mức giá đền bù 700.000 đồng/m2 thì UBND huyện lại ban hành quyết định thu hồi với mức giá 200.000 đồng/m2. Trong buổi làm việc với những hộ dân được mời lên nhận quyết định bàn giao đất, đại diện ban bồi thường giải phóng mặt bằng cũng thừa nhận mức bồi thường thấp so với thực tế nhưng là quy định nên không thể thay đổi được, đành chờ hỗ trợ của đơn vị chủ đầu tư.

Nếu tính đền bù theo cách vừa được ban hành, quyền lợi người dân đâu cần trông chờ vào hỗ trợ theo kiểu “ban ơn”. Quyền lợi thực đó phải là nghĩa vụ của chủ dự án đối với những người dân có nhà nằm trong dự án quy hoạch.

Trong khi tổng công ty Thương mại và xây dựng đang tiến hành đàm phán với dân mức giá đền bù 700.000đ/m2 thì UBND huyện lại ban hành quyết định thu hồi mang tính cưỡng chế với mức giá 200.000đ/m2


Theo Sài Gòn Tiếp Thị