Đó là nhận định của Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường tại hội thảo “Dự báo xu hướng thị trường bất động sản năm 2015” diễn ra tối 19/12 tại Tp.HCM.
Tồn kho bất động sản đa phần là những sản phẩm khó bán vì có vị trí không thuận lợi, thiếu thốn nhiều điều kiện đáp ứng cho cuộc sống.
|
Theo nhận định của Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, dù kho hàng tồn kho bất động sản mới chỉ rút được từ 100 nghìn tỷ xuống còn 80 nghìn tỷ, tức đã giảm được khoảng 20%, nhưng không thể nhìn kho hàng tồn đó mà kết luận thị trường bất động sản vẫn nằm yên. Thị trường bất động sản vẫn đang phát triển và nguồn cầu vẫn đang tăng dần.
Theo Giáo sư Võ, thị trường bất động sản năm 2014 đã qua đáy và bắt đầu đi lên. Bằng chứng là các bất động sản giá thấp hoặc nhà ở xã hội đã có dấu hiệu sốt trở lại vì nguồn cầu lớn. Thậm chí tại Hà Nội đã có trường hợp mua dự án nhà ở thương mại giá rẻ và có thể bán lại ngay trong ngày mở bán với chênh lệch từ 50 – 100 triệu đồng.
Trong khi đó, phân khúc giá trung bình và giá cao ở vị trí thuận lợi cũng bán được khá nhiều hàng. Có những dự án có giá từ 3 đến 5 tỷ đồng/căn hộ nhưng vẫn bán chạy. Điều này cho thấy, bất động sản cao và trung cấp bắt đầu có giao dịch mạnh ở những nơi có điều kiện sinh sống tốt như hạ tầng tốt, có chợ, trường học, siêu thị, trung tâm văn hóa.
Theo báo cáo thống kê của Bộ Xây dựng tính đến hết ngày 20/8, tổng giá trị tồn kho bất động sản trên cả nước là 82.295 tỉ đồng. Đáng chú ý là tồn kho thuộc phân khúc căn hộ chung cư hiện còn khoảng 17.000 căn, tương đương với 26.000 tỉ đồng. Trong khi đó, theo dự báo của Công ty tư vấn Savills, nguồn cung căn hộ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Trước áp lực hàng tồn kho lớn, nguồn cung căn hộ tương lai "bùng nổ" cùng với thực trạng nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn trong vấn đề giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho…
Về những sản phẩm còn tồn đọng, đó đa phần là những sản phẩm rất khó bán vì chúng được phát triển ở vị trí không thuận lợi, thiếu thốn nhiều điều kiện đáp ứng cho cuộc sống. “Phải khi nào hạ tầng đến, điều kiện phát triển thì kho bất động sản sẽ được giải phóng dần dần”, ông Võ cho biết.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, trong bất động sản (BĐS) có 2 vấn đề quan trọng là tiền và vị trí. Nhưng do doanh nghiệp không có kiến thức, đổ tiền đầu tư vào vùng sâu, vùng xa trong khi nguồn lực đầu tư hạ tầng nội bộ dự án kém, đầu tư ngoài dự án như kết cấu liên thông như trường, bệnh viện, đường, hạ tầng khác… chính quyền cũng chưa đủ nguồn lực. “Doanh nghiệp chọn vị trí như vậy là sai bản chất gốc. Những dự án đó sẽ bị chết, nằm rất lâu khi hạ tầng lan ra đó”, Thứ trưởng Nam cảnh báo.
Thứ trưởng Nam cũng cho biết, thời gian này chỉ những dự án tốt có hạ tầng mới bán được, doanh nghiệp sẽ phải trả giá khi xây dựng những dự án dù đẹp đến đâu nhưng đặt chơ vơ giữa cánh đồng, giao thông kém, dịch vụ, khu thương mại, trường học không có... đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người dân nghi ngại khi quyết định mua nhà và dọn nhà về ở.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh doanh & Pháp luật
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: