Ông Nguyễn Văn Chinh - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp |
Liên quan đến thời hạn giao đất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Chinh - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho rằng, không phải là nới thêm 20 năm mà cần giao đất nông nghiệp vĩnh viễn cho nông dân...
Ông Chinh nói:
Theo tôi, có ba ý chính cần sửa đổi Luật Đất đai. Thứ nhất là hộ gia đình, cá nhân được quyền sở hữu về đất do nhà nước giao, được thuê đất, nhận quyền sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước.
Điều này phù hợp với quyền chung của người sử dụng đất, quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn. Thứ hai giao đất nông nghiệp lâu dài, vĩnh viễn không có thời hạn. Tại sao đất trồng cây bạch đàn giao 50 năm còn đất trồng lúa lại chỉ giao có 20 năm? Đặt ra năm nào hết hạn lại có chuyện ngay, đã giao là giao lâu đời. Để đầu tư thâm canh tăng độ phì của đất, để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất thâm canh hàng hóa rất cần thiết phải giao diện tích đất sử dụng lâu dài cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân.
Thực tế cuộc sống không có nhu cầu sử dụng đất nông dân sẽ bán. Nếu giao quyền sở hữu, họ có quyền chuyển nhượng, mua bán. Nhưng hiện tại người ta giao 20 năm một, người mua không yên tâm mua bởi hết thời hạn sợ rũ ra, lại tay trắng. Nếu giao quyền sở hữu họ sẽ tự định đoạt. Thứ ba về hạn mức giao đất nông nghiệp, tôi đề nghị sửa theo hướng không phân biệt hạn mức giao đất giữa các loại đất cây ngắn ngày, cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối. Tốt nhất nên bỏ hạn mức giao đất.
* Ông có thể lý giải tại sao mình lại đề nghị sửa Luật Đất đai theo hướng đó?
Người nông dân phải gắn với đất. Thực chất 5 quyền trong Luật Đất đai năm 2003 là giao cho nông dân sử dụng chứ không phải sở hữu đất. Chỉ có mỗi câu chữ sở hữu với sử dụng tại sao phải phân vân, lấn cấn làm gì? Trình độ dân mình phần đa còn hiểu rất mập mờ cái này. Họ có 5 quyền lại không có sở hữu thì vô lý.
Trong đất đai nên phân định rạch ròi, có loại sở hữu của nông dân, có loại của doanh nghiệp, có loại của nhà nước. Cái nào của nhà nước là sở hữu nhà nước. Hồ Hoàn Kiếm là sở hữu nhà nước, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sở hữu nhà nước, còn đã giao cho nông dân năm sào, ba sào là vĩnh viễn của anh ta chứ? Không sử dụng họ có thể bán, hay để cho con, cho cháu. Sở hữu đất phải như vậy người ta mới chăm chút vào đất, đầu tư vào đất, làm cho đất ra tiền, ra của. Còn sợ giao cho dân để dân làm bừa là không đúng. Đất sản xuất lúa của anh sở hữu không thể dựng nhà, đất rừng sở hữu của anh không thể lúc nào chặt rừng cũng được.
Tôi đi Hàn Quốc, nước họ không có kiểm lâm, toàn núi đá mà rừng xanh rì. Tôi hỏi một nông dân có 30 ha rừng: “Trong rừng nhà ông muốn chặt cây nào là chặt được không?”. Ông ấy đáp ngắn gọn: “Không được, ông nghiện thuốc lá có phải cứ thích hút chỗ nào là hút, ông hút trong phòng cấm, nơi công cộng sẽ bị phạt ngay”. Họ nói đơn giản vậy thôi. Rừng cũng như điếu thuốc lá của anh, cái bật lửa của anh, cấm chặt là không được chặt. Làm sao cứ phải sợ quẩn sợ quanh?
* Nhiều người sợ là sẽ nảy sinh tầng lớp địa chủ mới nếu bỏ hạn điền?
Nếu không có diện tích lớn không bao giờ có doanh nghiệp nông nghiệp lớn. Cái mà ta đang gọi là doanh nghiệp nông nghiệp lớn của VN về xuất khẩu, về chế biến thực ra toàn đứng trên lưng người nông dân, kể cả mấy tổng cty lương thực. Muốn có doanh nghiệp lớn họ phải có vài trăm vài ngàn ha đất mới đầu tư bờ vùng bờ thửa, mới kiên cố hóa kênh mương, mới đầu tư xưởng chế biến, mới mời được các nhà khoa học về hợp tác được. Thiếu những cái đó làm sao có doanh nghiệp lớn trong khi đó ta lại thường xuyên nói phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bởi doanh nghiệp là xương sống của đất nước.
Tôi về làng, nông dân cũng nhiều người hỏi tôi có chia lại đất không? Tôi cũng chỉ bảo cứ an tâm. Lúc đó nói thế là nói liều chứ chưa biết có chủ trương gì cụ thể. Nay có thông tin gia hạn thêm 20 năm, vẫn quá ngắn! |
Về vấn đề này, một số cụ lão thành cũng phân vân rằng xưa kia cuộc cách mạng của chúng ta giương khẩu hiệu người cày có ruộng. Chính khẩu hiệu đó mới đánh đổ được đế quốc. Chính khẩu hiệu đó mới giành độc lập dân tộc. Khẩu hiệu ấy sát sườn với nông dân quá rồi nên giờ thay đổi bỏ hạn điền cũng sợ. Thực ra nông dân không phải ai cũng có khả năng là chủ đất và làm tốt được.
* Giả sử một ngày nào đó chia lại đất ruộng ông tính sao? Nếu không chia lại số người sinh sau 1993 mãi không bao giờ có nổi mảnh ruộng của riêng mình?
Không thể đặt vấn đề như thế được. Không phải ai sinh ra phải là có ruộng dù con em nông thôn. Không một đất nước nào như thế cả. Rũ ra chia lại là đổ máu. Hiện tại tôi thấy có vấn đề khá bất cập là đất ở thành thị, đất ở nông thôn. Đất ở nông thôn ví dụ giao 1.000m2 thì đất ở 300m2 còn lại đất vườn. Đất ở thành thị cũng 1.000m2 là ở tất, chẳng có vườn tược gì. Tôi hỏi ở nông thôn có vài ba đứa con, đất phải chia cho mỗi đứa vài trăm mét thì đây không phải đất ở à? Đó là một trong những nguyên nhân gây rối loạn nông thôn.
DiaOcOnline.vn - Theo Nông Nghiệp
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: