Top

Ông Lê Hồng Thăng Giám đốc Sở Công thương Hà Nội

Không được phép chuyển khu thương mại thành nhà ở

Cập nhật 11/07/2012 13:15

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội diễn ra tình trạng xây dựng một số khu chợ với quy mô rộng nhưng lại không thu hút được người bán cũng như người mua vào giao dịch dẫn đến lãng phí.

Bên lề Kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hà Nội, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đã trao đổi về vấn đề này.

* Hiện đang có tình trạng nhiều bà con tiểu thương phản đối việc bỏ chợ, xây trung tâm thương mại vì nó mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp nhiều hơn (cho thuê mặt bằng, trong khi các hoạt động của chợ chỉ diễn ra ở tầng một). Nếu kiểm tra phát hiện sai phạm như vậy thì sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Hồng Thăng: Nhìn thì như vậy nhưng thực ra dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng khi đầu tư triển khai không tính toán được hết nên khả năng là không hình thành được chợ, các tiểu thương không thuê được. Vì thế chủ đầu tư đành chuyển mặt hàng kinh doanh khác. Đây là một tồn tại trong quá trình cải tạo chợ. Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND TP khi xem xét cải tạo các chợ phải tính toán hết sức kỹ lưỡng, chợ truyền thống phải duy trì, phần bách hóa có thể chuyển sang trung tâm thương mại, như vậy mới đạt được mục đích. TP cũng đã chấp thuận.

TTTM chợ Hàng Da đang là một trong những TTTM hoạt động khá hiệu quả. Ảnh: TL

* Ông cho biết việc chuyển định sai công năng như thế có phá vỡ quy hoạch không?

Ông Lê Hồng Thăng: Vừa rồi có 3 chợ truyền thống phải chuyển thành trung tâm thương mại do doanh nghiệp đầu tư. Đây là những bài học đắt giá, phải nghiêm túc kiểm điểm. Trong quy hoạch thương mại vừa qua đã rút kinh nghiệm, không có chuyện chuyển sang trung tâm thương mại lớn theo kiểu chợ không ra chợ, trung tâm thương mại không ra trung tâm thương mại.

Mình muốn cải tạo chợ thành trung tâm thương mại nhưng lại đẩy bà con tiểu thương ra ngoài, không hoạt động thương mại được là bài học xương máu. Chợ là văn hóa truyền thống, không xem xét kỹ là rất nguy hiểm. Phần truyền thống thường là nông sản thực phẩm, mua cá, dưa, hoặc mua gia vị, mang tính chất văn hóa. Người ta đến chợ không chỉ mua hàng mà còn tìm hiểu, vui chơi, giao lưu. Mình cắt đi phần đó là không được. Trong quy hoạch vừa rồi đã đề ra rất nghiêm ngặt là vẫn phải duy trì văn hóa truyền thống đó của người Việt. Rất nhiều người đi bộ sớm rồi đi chợ, mua sắm 1 vài thứ, gặp gỡ 1 vài người bạn, trao đổi các thông tin rồi mới về. Đó là truyền thống còn duy trì không chỉ ở nông thôn mà còn ở các đô thị.

* Vậy những giải pháp để tháo gỡ tình trạng này là gì, thưa ông?

Ông Lê Hồng Thăng: Chợ truyền thống quy hoạch vừa rồi đã điều chỉnh hết được các tồn tại. Hà Nội đã có chương trình cải tạo một loạt hệ thống chợ từ thành thị đến nông thôn. Chưa có chợ nào ở nông thôn mà người dân không muốn vào, chỉ có điều nếu anh di chuyển vị trí thì người dân phản đối. Hiện chưa có chợ nào di chuyển vị trí trên địa bàn Hà Nội. Vừa qua chúng tôi đã họp bàn, làm sao để các chợ truyền thống cải tạo vẫn ở vị trí cũ.

… Nếu đã vẽ một trung tâm thương mại thì là một nghiên cứu khoa học để nghiên cứu các ô hàng hóa chứ không thể để lộn xộn được. Phải có các trang thiết bị nội thất, điện tử, nông sản thực phẩm…

Chỉ có điều khi xây dựng dự án, nhà đầu tư nghiên cứu nó chưa đạt trình độ cao thì quá trình đó bị vướng. Có thể nhà đầu tư sẽ điều chỉnh một chút, còn đã điều chỉnh quy mô, phân luồng hàng thì không thể điều chỉnh được.

* Ông cho biết, với những khu chợ không sử dụng thì xử lý thế nào?

Ông Lê Hồng Thăng: Phải phụ thuộc vào từng vị trí và từng đầu tư, xem nhà đầu tư có đề xuất kiến nghị gì không. Tất cả đều là của cải của xã hội, phải phù hợp với quá trình thu hồi vốn của nhà đầu tư và nhu cầu sử dụng của nhân dân. Sở Công Thương đã quy định, tất cả các quận chuyển đổi đều không ký chuyển đổi thành nhà ở. Từ các khu công nghiệp đến khu thương mại đều không ký cho chuyển thành nhà ở. Không thể bắt ép hạ tầng xã hội được.

Xin cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo PLXH