Top

Thị trường bất động sản chưa có điểm sáng nào

Cập nhật 11/07/2012 08:40


Tại TP.HCM, 50% dự án chưa khởi công hoặc tạm dừng do thiếu vốn hoặc khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng.
Hàng loạt công ty tư vấn bất động sản vừa có báo cáo về tình hình thị trường bất động sản quý 2 năm 2012 và dự báo thị trường trong quý tiếp theo. Theo những báo cáo này thì thị trường bất động tiếp tục thê thảm trong thời gian tới và chưa có điểm sáng nào có thể phá băng thị trường, toàn bộ phân khúc đang bị tê liệt.

Ghi nhận từ Công ty Knight Frank Việt Nam, giá bán giao dịch trên thị trường thứ cấp tiếp tục giảm mạnh, từ 15-20% so với mức giá ký kết trong hợp đồng với chủ đầu tư. Đối với một số trường hợp giá bán trên thị trường thứ cấp còn giảm đến 30% nếu người mua thanh toán ít nhất 90% trên tổng giá trị căn hộ. Ở phân khúc căn hộ dịch vụ, không có dự án mới nào nổi bật tham gia vào thị trường…

Còn theo báo cáo của công ty Savill Việt Nam, trong quý 2 năm 2012, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường tiếp tục giảm 2% so với cùng quý của năm 2011, tính chung toàn thị trường chỉ bán được khoảng 750 căn hộ. Tuy nhiên, trong 750 căn đã bán này thì có đến hơn 70% tập trung ở phân khúc giá thấp (dưới 20 triệu đồng/m2). Savill nhận định, tình hình thị trường tiếp tục suy giảm, trái với phản ánh thị trường sẽ được cải thiện khi lãi suất và kinh tế vĩ mô được cải thiện.

Trong khi đó, Bộ Xây Dựng cũng nhận định trong báo cáo của sơ kết tình hình thị trường 6 tháng đầu năm là thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn. Giá cả bất động sản sụt giảm ở tất cả phân khúc. Số lượng giao dịch giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án không có giao dịch.

Sở Xây dựng TP.HCM cũng nhận định, gánh nặng khó khăn đang bao phủ xám xịt thị trường bất động sản. Thị trường khó khăn ở hàng loạt phân khúc và hiện có khoảng 20.000 căn hộ tại TP.HCM chưa bán được. Mặc dù chủ đầu tư đã giảm giá, giãn tiến độ thu tiền để kích cầu nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Phân khúc hạng sang và cao cấp giảm mạnh nhất. TP.HCM hiện có khoảng 860 dự án, hầu hết chậm tiến độ, trong đó 50% dự án chưa khởi công hoặc tạm dừng do thiếu vốn hoặc khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư có tiềm lực hạn chế, vốn tự có quá nhỏ, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải vay tới 70 – 80% tổng vốn đầu tư nên khiến tiến độ đầu tư bị ảnh hưởng, sản phẩm xây dựng nên không bán được, dẫn tới nguy cơ phá sản cao…

Trước tình hình nêu trên, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát tình hình các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai và đã giao dự án nhưng chưa triển khai để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp nhu cầu thị trường.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị