Top

Khốn khổ với những siêu dự án “trùm mền”

Cập nhật 01/12/2016 08:58

Trên địa bàn TPHCM hiện có rất nhiều dự án từ đất nền đến những chung cư dù đã được các chủ đầu tư thu tiền tỷ của khách hàng, song  sau nhiều năm qua vẫn còn là đất hoang, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân bị thu hồi đất lẫn khách hàng mua đất dự án.

Bỏ ra bạc tỷ mua đất nhưng sau gần 8 năm trời tất cả những gì mà các khách hàng mua dự án thuộc khu dân cư 154ha phường Bình Trưng Đông - Cát Lái (quận 2) vẫn chỉ là những vùng đất bỏ hoang. Ảnh: Tuấn Minh

Tiền dân đã đóng nhưng 8 năm dự án vẫn nằm trên giấy

Mới đây, hàng chục khách hàng mua đất thuộc khu dân cư 154ha phường Bình Trưng Đông - Cát Lái (quận 2) đã có đơn phản ánh đến báo Lao Động Đời sống về sự trì trệ, bế tắc trong việc triển khai dự án, khiến cho các khách hàng dù đã bỏ bạc tỷ ra mua đất nhưng đã hơn 8 năm nay dự án vẫn nằm trên giấy.

Ông Lê Hùng Minh, khách hàng mua Lô đất Ba67 (nay đổi thành D11) cho biết, ông mua lô đất tại dự án Lô 3 Tiểu khu D do Tổng công ty Bến Thành triển khai, thuộc Khu dân cư 154ha Phường Bình Trưng Đông-Cát Lái, Q.2. Năm 2009, TCty Bến Thành đã xây dựng cơ sơ hạ tầng tại đây, đồng thời được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, TCty Bến Thành đã ký hợp đồng góp vốn xây dựng nhà ở với nhiều hộ dân. “Trong các hợp đồng này có nêu rõ: Bên mua phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo từng giai đoạn để đến 31.12.2011, bên bán là TCty Bến Thành phải giao đất hợp pháp cho bên mua. Bên mua chúng tôi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo đúng các điều khoản của hợp đồng, nhưng đến nay, sau gần 8 năm, TCty Bến Thành vẫn chưa giao đất hợp pháp cho chúng tôi như hợp đồng ký kết” - ông Minh phản ánh.

Trong đơn khiếu nại, những khách hàng mua dự án này khá bức xúc vì cho tới nay nguyên nhân chủ đầu tư đưa ra vẫn là do pháp lý dự án bị trục trặc, chưa bồi thường giải phóng mặt bằng xong. Cụ thể,  thông qua một số văn bản của UBND TPHCM, UBND Q.2 và TCty Bến Thành, trong quá trình triển khai dự án, UBND TP  đã có văn bản điều chỉnh quy hoạch… “Đến nay, quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt, nhưng TCty Bến vẫn chưa giao được đất hợp pháp cho những hộ dân chúng tôi như hợp đồng đã ký kết.  TCty Bến Thành cũng đã thu tiền của rất nhiều hộ dân, con số lên tới cả trăm tỷ đồng. Do vậy, vô hình chung, TCty Bến Thành đã giữ cả trăm tỷ đồng này của dân mà không phải trả lãi, trong khi người dân vẫn không được giao đất hợp pháp. Các hộ dân chúng tôi đang có nhu cầu bức thiết để xây dựng nhà ở trên mảnh đất mình đã đóng tiền đầy đủ, nhưng vẫn không biết đến khi nào mới được TCty bàn giao nền đất hợp pháp cho chúng tôi” - ông Minh bức xúc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bình Minh - Tổng giám đốc TCty Bến Thành - cho biết, công ty mong muốn giao nền sớm cho khách hàng, nhưng cái khó là dự án 154ha Bình Trưng Đông không còn nhà đầu tư hạ tầng chính kết nối giao thông các khu dự án thành phần. Dự án lô 3 - tiểu khu D không có cơ sở pháp lý để tiếp tục đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân, dự án không có cơ sở giao đất cũng như tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý cấp giấy chứng nhận cho khách hàng mua đất.

Được biết, Khu dân cư Bình Trưng Đông - Cát Lái có tổng diện tích 154ha, được TP giao đất từ năm 2001 cho Công ty TNHH MTV Xây dựng kinh doanh nhà Phú Nhuận (Công ty Phú Nhuận) làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính theo Quyết định 7446/QĐ-UB. Trong dự án này có 15 dự án thành phần do các công ty khác làm chủ đầu tư như Công ty Trường Thịnh, CTCP Xây dựng số 14, Công ty City Land, TCty Bến Thành, Công ty Vạn Phát Hưng, Công ty Thái Sơn, Công ty Bách Giang... Suốt 15 năm qua, dự án tổng thể vẫn dở dang, đầy cỏ dại khiến các dự án thành phần cũng chưa bồi thường xong cho người dân. Chính vì để dự án treo quá lâu, gây bức xúc trong dư luận, vào tháng 12.2014, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 5995/QĐ-UB thu hồi Quyết định 7446-UB, tức chấm dứt tư cách chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính đối với Công ty Phú Nhuận. Và phải đến tháng 6 năm 2016, UBND TPHCM mới có quyết định khởi động lại dự án và giao UBND quận 2 đôn đốc một số đơn vị có dự án tại khu dân cư (KDC) Bình Trưng Đông-Cát Lái quận 2 triển khai việc xây nhà để sớm giải quyết thủ tục và cấp giấy chứng nhận cho các khách hàng.

Lâm nạn với “nội chiến” của chủ đầu tư

Hàng trăm khách hàng mua chứng chỉ nhà ở để được quyền mua căn hộ tại dự án Vinaland Tower do Cty CP Đầu tư bất động sản Việt Nam - Vinaland (VNI) làm chủ đầu tư cách đây 6 năm đang dở khóc dở cười khi mà dự án vẫn chỉ là hình ảnh thiết kế. Đến nay đã quá hạn, nhà thì chưa có, tiền không lấy lại được, trong khi dự án bị công ty rao bán. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi biết được, đằng sau câu chuyện này, nội bộ HĐQT của công ty đang có nhiều mẫu thuẫn, xung đột về quyền lợi.

Mới đây, VNI đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thảo luận và biểu quyết các nội dung như phát hành cổ phiếu riêng lẻ, chuyển nhượng dự án Vinaland Tower, chuyển nhượng dự án Chợ Phước Long (quận 7, TP.HCM)... Tuy nhiên, 2 nội dung được cho là khá quan trọng là chuyển nhượng dự án Vinaland Tower với mức giá 140 tỷ đồng và chuyển nhượng dự án chợ Phước Long với giá 250 tỷ đồng đã không được thông qua. Đặc biệt, trong số cổ đông không đồng ý với việc chuyển nhượng này có ông Trần Minh Hoàng, cổ đông sáng lập, người nắm số cổ phần lớn tại VNI, vì cho rằng, có quá nhiều điều mập mờ xung qua những nội dung này.
Từ trước đến nay, nhắc đến VNI, nhiều người biết đến ông Trần Minh Hoàng là người đại diện theo pháp luật và là Chủ tịch HĐQT Công ty. Tuy nhiên, từ cuối năm 2015, các thành viên khác trong HĐQT của VNI đã tổ chức một cuộc họp HĐQT, nhưng vắng mặt ông Trần Minh Hoàng, để đưa ra quyết định bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật của Công ty đối với ông Hoàng, người thay thế là ông Trần Bình Long. Hiện ông Hoàng đã có đơn gửi Tòa án Nhân dân TP.HCM khởi kiện hành chính về việc thay đổi con dấu trái pháp luật, đồng thời cũng có đơn khởi kiện đến Tòa án Nhân dân quận 7, TP.HCM, yêu cầu bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp và các cá nhân tại Công ty.

Việc đúng sai trong tranh chấp nội bộ của VNI sẽ do cơ quan chức năng quyết định, tuy nhiên, mâu thuẫn này đang đẩy hàng trăm khách hàng cho VNI vay tiền đứng trước nguy cơ mất trắng, bởi Công ty đang rao bán các dự án là đối tượng để thực hiện chính sách huy động vốn, khiến nhiều người đứng ngồi không yên.

Chị Nguyễn P., một khách hàng mua chứng chỉ VNI cho biết, vì mong muốn có được một chỗ ở giá hợp lý, chị đã tin tưởng đóng cho VNI số tiền hơn 700 triệu đồng, nhưng suốt nhiều năm qua, VNI không xây dựng dự án, cũng không trả lại tiền. Cứ nghĩ họ khó khăn do vướng thủ tục nên thông cảm, hy vọng khi giải quyết khó khăn họ sẽ xây dựng dự án như cam kết nhưng rồi lại thất vọng tràn trề.
Tương tự, hàng trăm khách hàng khác cũng đã chờ đợi mỏi mòn quyền được mua nhà của VNI, nhưng vẫn không được. Gần đây, VNI lên kế hoạch bán 2 dự án, nhưng không hề đả động đến quyền lợi của các khách hàng mua chứng chỉ nhà ở, khiến các khách hàng lo lắng.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động