Hàng trăm dự án “treo”, có những dự án kéo dài đến 26 năm đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM.
Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã “treo” 26 năm đến nay vẫn chưa có lối ra
ẢNH: ĐÌNH SƠN
Rất nhiều doanh nghiệp (DN) xin dự án để “xí phần”, mà không triển khai hoặc triển khai ì ạch gây lãng phí quỹ đất đồng thời gây bức xúc cho người dân có đất nằm trong vùng dự án.
Sau 26 năm, trở về... vạch xuất phát
Hơn 26 năm qua, hàng ngàn hộ dân tại khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) sống trong cảnh khốn khổ, hạ tầng gần như không được đầu tư nên lạc hậu; đất đai bỏ hoang, nhà cửa lụp xụp dù nằm ngay lõi trung tâm TP.
Nguyên nhân do vùng đất rộng lớn này được quy hoạch là dự án khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa có diện tích hơn 426 ha, với tổng cộng 3.096 hộ dân, được tạm giao đất cho Tổng công ty xây dựng Sài Gòn nhưng sau đó DN này không thể triển khai dự án. Đến năm 2015 liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới, với tổng vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Nhưng đến năm 2017, Emaar Properties PJSC xin rút lui khỏi dự án. Mới đây, UBND TP.HCM đã công bố chọn lại nhà đầu tư từ đầu. Như vậy, sau 26 năm quy hoạch “treo”, đến nay dự án này lại trở về vạch xuất phát.
Do bị “treo” quá lâu, cuộc sống của người dân ở đây rất khó khăn. Nhà cửa, đường, điện, nước... xuống cấp khiến họ phải sống tạm bợ, khốn khổ trăm bề. Suốt hơn 2 thập niên qua, họ chỉ mong dự án sớm triển khai, để được đền bù để họ có tiền mua nhà cửa, ổn định cuộc sống. Còn nếu không thực hiện dự án, TP nên xóa quy hoạch để trả lại quyền lợi cho người dân.
Tại dự án khu đô thị thương mại nam Sài Gòn (xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM) được UBND TP.HCM giao cho Công ty TNHH tư vấn đầu tư Phi Long (Công ty Phi Long) làm chủ đầu tư từ năm 2004 đến nay vẫn chưa xong khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Suốt hơn 20 năm qua, các hộ dân có đất tại dự án chỉ biết chờ đợi trong khốn khó, vô vọng, không biết ngày nào mới thoát khỏi cảnh sống tạm bợ.
Không chỉ dự án này, theo Sở TN-MT TP.HCM, Công ty Phi Long còn 6 dự án khác trên địa bàn TP và hầu hết đều triển khai rất chậm. Thậm chí một số dự án sai phạm đã có kết luận thanh tra nhưng chủ đầu tư không khắc phục mà liên tục đổi tên, sáp nhập DN, chuyển trụ sở, có dấu hiệu trốn tránh khi được cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra năng lực tài chính.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu Thanh tra TP và các sở, ngành thanh tra toàn diện các dự án do Công ty Phi Long làm chủ đầu tư và yêu cầu nếu phát hiện vi phạm, báo cáo UBND TP xem xét, ra quyết định hủy bỏ quyết định giao đất cho công ty này.
Từ nay đến cuối năm, xử lý 215 dự án treo
Mới đây UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở TN-MT lập tổ công tác rà soát, xem xét thu hồi các dự án chậm, không thể triển khai. Qua rà soát 2.758 dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất, Sở TN-MT xác định có 215 dự án liên quan tới vấn đề chậm triển khai. TP giao sở này trong quý 4/2018 phải tập trung đề xuất xử lý 215 dự án đó.
Luật sư Nguyễn Vân Trường, Đoàn luật sư TP.HCM, phân tích theo luật Đất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ. Ngoài ra, tại TP.HCM cũng đã ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2020, trong đó có nội dung dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép sẽ bị thu hồi. Đối với các đồ án quy hoạch, nếu quá 5 năm không thực hiện được phải rà soát, xem xét lại tính khả thi, nếu không thể thực hiện được phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch để đảm bảo quyền lợi cho người dân có đất bị ảnh hưởng.
“Từ lâu nay TP đã nhiều lần tuyên chiến với các dự án treo, quy hoạch treo, trong đó có việc thu hồi các dự án treo. Nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều dự án không khả thi, treo hàng chục năm nhưng TP không thu hồi. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân có đất tại dự án mà nhà nước cũng không thể đưa đất vào sử dụng, không thu được tiền sử dụng đất, thuế...”, luật sư Trường phân tích.
Lãnh đạo một công ty bất động sản cho rằng, sở dĩ tình trạng dự án treo, quy hoạch treo tràn lan bởi nhiều chủ đầu tư không có khả năng về tài chính, kinh nghiệm nhưng vẫn chạy để được làm dự án, rồi sang tay kiếm “ăn”. Do đó, khi duyệt dự án cần phải kiểm soát, kiểm tra kỹ về năng lực của các DN. DN nào có đủ năng lực mới giao cho thực hiện, trái lại phải kiên quyết nói không. “Hiện nay nguồn lực về đất đai đang ngày càng cạn kiệt, khan hiếm. Do đó, TP cần phải phê duyệt kỹ các dự án để dành đất cho các DN có năng lực thật sự và đất cho các dự án đổi đất lấy hạ tầng”, vị này phân tích.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, trên cơ sở rà soát, Sở và các quận - huyện sẽ tập trung phân loại, đối chiếu quy định pháp luật để xử lý các dự án chậm tiến độ. Việc thu hồi các dự án này sẽ được niêm yết công khai để người dân giám sát, đồng thời giải quyết quyền lợi của người dân theo quy định của pháp luật.
Tại hội nghị công bố Nghị quyết 80 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của TP.HCM gần đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ra “tối hậu thư” cho các dự án “treo”. Ông Phong yêu cầu các DN có điều kiện triển khai thì gấp rút thực hiện, còn dự án nào không triển khai thì nhất quyết phải thu hồi. Cụ thể, đối với các dự án đã được ghi vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm tại quận, huyện, sau 3 năm mà không thực hiện thì công bố hủy, sau đó giải quyết quyền lợi của người dân trong khu vực dự án.
Diaoconline.vn – Theo Báo Thanh Niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: