Top

Ông chủ kín tiếng của dự án Buýt sông Sài Gòn

Cập nhật 22/10/2018 09:50

Buýt đường thuỷ chỉ là một phần nhỏ trong tham vọng phát triển thương mại dọc theo sông Sài Gòn của nhà đầu tư được đề cập trong bài viết.

Điểm đầu của dự án buýt sông nằm trong Bến Bạch Đằng. Ảnh: V.D/Zing.vn

Tuyến buýt sông đầu tiên

Cuối tháng 11/2017, tuyến buýt sông đầu tiên ở TP.HCM đi vào hoạt động, với chặng đường hơn 10km từ Bến Bạch Đằng (Quận 1) tới trạm Linh Đông (Quận Thủ Đức). Giá vé 15.000 đồng/ lượt.

Sau gần một năm vận hành, dù còn nhiều bất cập, song tuyến buýt sông phần nào cho thấy tiềm năng của loạt hình này, cả về phát triển du lịch lẫn đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân, trong bối cảnh áp lực đối với giao thông đường bộ ngày một lớn.

TP.HCM hiện có khoảng 110 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài gần 1.000 km, trong đó tuyến đường thuỷ nội địa dài hơn 570km. Từ đầu thập kỷ trước, bắt đầu xuất hiện ý tưởng xây dựng các tuyến buýt đường sông, nhưng thời điểm đó còn nhiều trở ngại nên chưa thực hiện được.

10 năm sau, một nhà đầu tư tư nhân là Công ty TNHH Thường Nhật năm 2010 đề xuất thí điểm mở hai tuyến ca-nô buýt, mỗi tuyến dài 11km đi dọc sông Sài Gòn. Dự án dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2011, tuy nhiên tới đầu năm 2012, Thường Nhật xin dừng do gặp nhiều khó khăn.

Đến giữa năm 2015, dự án bất ngờ "sống dậy" khi được đề xuất trở lại và tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ UBND TP.HCM. Lãnh đạo Thành phố kỳ vọng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, phát triển giao thông đường thuỷ sẽ góp phần giảm tải cho cơ sở hạ tầng trên bộ, đồng thời phục vụ phát triển du lịch.

Không còn lỡ hẹn như lần trước, dự án buýt sông nhanh chóng được triển khai và đi vào hoạt động từ gần một năm nay. Dù vậy, không nhiều người biết rằng sự hồi sinh của dự án phải kể đến đóng góp không nhỏ của một tập đoàn bất động sản lớn ở phía Nam, mà có thể bởi nhiều lý do, nhà đầu tư này chưa muốn lộ diện.

Công ty Thường Nhật

Công ty TNHH Thường Nhật do ông Nguyễn Kim Toản và bà Trần Thị Huyền Trang thành lập từ năm 2006, với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Nguồn lực khiêm tốn khiến vợ chồng doanh nhân này không thể thực hiện được tham vọng buýt sông, dù có thừa tâm huyết. Dự án đi vào ngõ cụt vào năm 2012, như đã biết.

Tháng 7/2015, tin tức về việc Công ty Thường Nhật được UBND TP.HCM chính thức chấp thuận làm chủ đầu tư dự án buýt đường sông tràn ngập trên các mặt báo. Trước đó gần nửa năm, cơ cấu cổ đông của Thường Nhật có sự thay đổi lớn, khi doanh nghiệp này tăng vốn lên 25 tỷ đồng, gia đình ông Nguyễn Kim Toản giảm tỷ lệ cổ phần về 25%, để rồi thoái hết vào tháng 6/2016.

Sau khi đổi chủ, Thường Nhật tăng vốn liên tục, lên mức 1.500 tỷ đồng vào tháng 9/2017, gấp 150 lần con số ban đầu.

Hiện nay, cơ cấu cổ đông của Thường Nhật là CTCP Vital City (80%), ông Trần Minh Tuấn (1,4%), ông Nguyễn Văn Lên (15,8%) và vợ là bà Huỳnh Thanh Mỹ (2,8%); Trong đó, công ty mẹ Vital City có vốn 1.700 tỷ đồng, cũng do ba cá nhân trên góp vốn, với tỷ lệ lớn nhất thuộc về bà Huỳnh Thanh Mỹ (80%).

Với vốn góp tính bằng đơn vị nghìn tỷ cùng quá trình tăng trưởng rất nhanh, sẽ là logic hơn nếu tư duy rằng, sau lưng các cá nhân trên hẳn là một nhà đầu tư dồi dào nguồn lực.

Được biết, nữ doanh nhân Huỳnh Thanh Mỹ sinh năm 1977, trước đây là Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Minh Quân - công ty con 100% vốn của CTCP Art Saigon.

Art Saigon có vốn điều lệ 3.600 tỷ đồng, gồm ba cổ đông sáng lập là CTCP Tập đoàn Horizon cùng hai công ty con của Horizon là CTCP Art House và CTCP Minerva Heritage.

Tập đoàn Horizon đóng trụ sở tại 19-25 Nguyễn Huệ, Quận 1, có một cổ đông sáng lập là ông Trương Lập Hưng, Chủ tịch HĐQT là bà Trương Huệ Vân.

Trở lại với Công ty Thường Nhật, doanh nghiệp này cùng một pháp nhân có liên quan là Công ty TNHH Đầu tư Sato hiện sở hữu lần lượt 24,61% và 6,86% cổ phần của CTCP An Phú - cái tên có nhiều liên hệ tới tập đoàn đứng sau dự án Buýt sông Sài Gòn. Hai cổ đông lớn còn lại của An Phú là CTCP Tân Hiệp (14,56%) và CTCP Hiệp Phúc (14,44%) từng có các giao dịch rất lớn liên quan đến dự án Union Square trên đường Nguyễn Huệ.

Như đã đề cập ở bài viết gần đây, 5/5 vị trí trong HĐQT An Phú đều có liên hệ tới tập đoàn bất động sản đang đề cập, trong đó đáng chú ý như các ông Đặng Thanh Hải, Dương Bá Nam, Nguyễn Đức Long.

Theo tìm hiểu, dự án buýt sông chỉ là một phần trong tham vọng phát triển thương mại dọc theo sông Sài Gòn của tập đoàn này.

Đầu tháng 10, UBND TP.HCM đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Khu công viên bến Bạch Đằng do Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cùng thành viên của tập đoàn nói trên là CTCP Đầu tư Sài Gòn An Phát lập. Ở phía đầu Quận 1, Alpha King - một doanh nghiệp có nhiều liên hệ đã mua lại phần lớn dự án Ba Son và đang phát triển khu phức hợp hạng sang tại đây.

Dọc theo đường Tôn Đức Thắng, nhiều bất động sản lớn đã được tập đoàn này mua lại như khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Khách sạn Liberty Central Saigon Riverside, Saigon One Tower... Còn chạy xuôi về hướng Nam, nhà đầu tư có trụ sở trên đường Trần Hưng Đạo cũng đã hoàn tất sở hữu 84,82% cổ phần trong dự án Nhà Rồng Khánh Hội, mua lại Công ty Đường Khánh Hội và nhà xưởng của CTCP Logistics Vinalink để gần như sở hữu toàn bộ mặt tiền sông Sài Gòn của Quận 4.


Diaoconline.vn – Theo vietnamfinance.vn