Các đại biểu cho rằng những giải pháp cứu thị trường bất động sản chưa đúng tầm.
Chiều 12-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu xoay quanh hiệu quả “giải cứu” thị trường bất động sản (BĐS), nâng cao chất lượng công trình và chống thất thoát lãng phí trong xây dựng.
Lo ngại giải cứu… nhầm thuốc
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đặt vấn đề trách nhiệm của Bộ Xây dựng về quản lý nhà nước về kinh doanh BĐS. Bà nêu: Thời gian qua quản lý kém, để cho nhà nhà nhảy vào kinh doanh, thậm chí nhiều đơn vị chưa làm tốt trách nhiệm của mình cũng kinh doanh BĐS. Nhà đầu tư thu lợi lớn, có người còn bảo “quản lý kém quá nên tôi giàu to”.
Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) chất vấn dồn dập: “Tôi băn khoăn về tính khả thi của các giải pháp giải cứu. Tồn đọng BĐS là do cung vượt cầu, dù giá đã hạ giá 40% mà vẫn chẳng ai mua. Vậy chúng ta giải cứu để bán cho ai đây? Còn chuyện cơ cấu và chuyển đổi loại nhà, nếu chúng ta chuyển đổi sang nhà xã hội, từ 20-30 triệu đồng/m2 còn 5-6 triệu đồng/m2 thì ai bù lỗ? Mà chuyển từ căn hộ cao cấp qua nhà ở xã hội thì cũng phải chỉnh thiết kế cho phù hợp, thế là tốn kém. Bộ trưởng đã nghiên cứu vấn đề này chưa? Mà bộ trưởng đã thống kê nhu cầu nhà xã hội bao nhiêu chưa? Liệu 1-2 năm tới xử lý giải cứu xong hay không?
Có đại biểu còn đặt vấn đề: Thị trường BĐS có nguy cơ đổ vỡ. Bộ trưởng đã dự liệu kịch bản gì? Nếu xảy ra đổ vỡ thì phương án đối phó của bộ trưởng thế nào?
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Lê Thị Nga chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: TTXVN |
Cần quyết tâm của nhà đầu tư
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết không chỉ căn hộ, căn nhà hoàn thiện bị tồn kho mà còn có cả những sản phẩm xây dựng dang dở nữa, số lượng này rất lớn. Về số lượng tồn đọng BĐS, ông cho biết có 44 tỉnh, thành báo cáo lượng tồn kho BĐS, tính đến ngày 30-8 có trên 16.000 căn hộ chung cư (Hà Nội 2.300 căn, TP.HCM trên 10.100 căn), khoảng 5.000 căn nhà thấp tầng (Hà Nội trên 3.000 căn, TP.HCM trên 1.000 căn), trên 25.000 m2 văn phòng, trung tâm thương mại (TP.HCM có trên 19.000 m2). Tổng giá trị tồn kho khoảng 40.000 tỉ đồng.
Ông nêu một số giải pháp cho thị trường BĐS: Trước hết phải phân loại dự án. Dự án nào chưa giải phóng mặt bằng thì phải dừng. Dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa đầu tư thì giãn tiến độ. Dự án đầu tư thì cơ cấu lại theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; cơ cấu lại các sản phẩm BĐS cho phù hợp khả năng thanh toán của người dân; đề nghị ngân hàng cho vay với người mua nhà, nhất là người mua lần đầu, người mua nhà ở xã hội…
Trả lời chất vấn về tính khả thi của các giải pháp, bộ trưởng cho rằng: “Tất cả phụ thuộc vào địa phương, còn xử lý được hay không là phụ thuộc quyết tâm của doanh nghiệp. Bộ Xây dựng quyết liệt và hy vọng các địa phương vào cuộc nhưng không thể khẳng định tháo gỡ tuyệt đối cho nhà đầu tư được”.
Lo lắng về chất lượng công trình
Nhiều đại biểu cũng chất vấn về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc quản lý chất lượng công trình, chống thất thoát, rút ruột công trình.
ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng chất lượng công trình gắn liền với chống lãng phí, thất thoát. Có tiêu cực, tham nhũng gì trong các vụ thất thoát? Trách nhiệm của ai? Bão đến gây hại cho công trình xây dựng là nỗi lo của người dân nhưng lại là mong chờ của nhiều người nhằm nhờ bão phá mà che đi sai phạm. Bộ trưởng có trách nhiệm gì trong việc ngăn ngừa, chống thất thoát?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng vấn đề thất thoát là nan giải, có từ lâu, nguyên nhân thứ nhất là do… thể chế! “Chúng ta đang xây dựng thể chế chưa hoàn thiện, ta cũng đang phải hoàn thiện Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch đô thị”. Và ông khẳng định: “Ngay trong Luật Xây dựng đấy thôi, việc kiểm tra chất lượng thuộc về chủ đầu tư!”.
Về trách nhiệm, Bộ Xây dựng là một trong các cơ quan quản lý, cũng có trách nhiệm. Vì vậy giải pháp là chúng tôi sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành khác để hoàn thiện pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng. Cụ thể, Bộ sẽ trực tiếp trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý chất lượng công trình.
Sẽ tăng cường năng lực của nhà đầu tư, loại ra khỏi danh sách những nhà thầu kém năng lực, thi công kém chất lượng và sẽ công khai danh sách những nhà thầu kém để chủ đầu tư biết mà tránh.
Sáng nay (13-10), bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục trả lời các vấn đề còn lại.
Mô hình ba cộng một
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng việc xử lý thị trường BĐS chưa đặt hết tầm vấn đề nên chưa giải quyết được. Theo ông Lịch, thị trường BĐS và tài chính liên quan mật thiết như hai bánh của một xe máy, một bánh xì hơi thì bánh kia khó mà chạy! Từ đó, ông đưa ra mô hình ba cộng một: "Ba là ba bộ, gồm Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước. Cộng một là cộng chính quyền địa phương, cùng đứng xử lý để nâng thị trường lên. Nhưng mà ai làm nhạc trưởng đây? Bộ Xây dựng làm được không? Ngày mai bộ trưởng nói rõ quan điểm của mình".
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: