Top

Khoác áo “tạm” cho biệt thự bỏ hoang

Cập nhật 14/08/2013 10:32

Thực tế cho thấy, việc thuê những căn biệt thự, nhà ở cao tầng với đầy đủ nội thất hiện đại luôn được định giá cho thuê rất cao, chưa kể ở những khu phố mặt tiền trung tâm thì giá lại trên trời nên chỉ phù hợp cho những người thuê có điều kiện kinh tế, thuộc tầng lớp thượng lưu. Tuy nhiên, vẫn có những khu vực mà giá thuê một căn biệt thự rộng gần trăm m2 người thuê chỉ phải trả từ 4 – 5 triệu đ/tháng. Điều này dường như không tưởng, nhưng lại hiện hữu tại một số khu đô thị (KĐT) như KĐT Văn Quán, Văn Khê… (Hà Đông), KĐT Mễ Trì (Từ Liêm)… với những căn biệt thự bỏ hoang được cho thuê.

Vòng qua một lượt các KĐT trên, chúng tôi nhận thấy, đa phần đều còn tồn tại khá nhiều các căn biệt thự, nhà ở liền kề chỉ được xây thô, chưa hoàn thiện và bị bỏ hoang từ khá lâu. Theo thời gian, nền nhà đều trong tình cảnh bị sụt lún, cỏ mọc um tùm, rêu mốc bao phủ, rác thải tập kết bừa bãi… rất lãng phí và mất mỹ quan.

Biệt thự bỏ hoang được cho thuê làm nhà hàng tại KĐT Văn Quán.

Làm sao để giải quyết và xóa dần tình trạng hoang hóa biệt thự, nhà ở liền kề luôn là bài toán chưa có lời giải cho các nhà đầu tư và chính quyền trong nhiều năm qua. Cái khó ló cái khôn, ý tưởng cho thuê lại các căn biệt thự, nhà liền kề xây thô với giá rẻ (làm nhà hàng bia hơi, sửa xe, làm biển quảng cáo, đại lý đá ốp lát, sàn gỗ…) không biết từ đâu xuất hiện đã làm ấm một phần nhỏ thị trường nhà cho thuê.

Tìm gặp gia đình anh Thái và chị Phương, chủ hai căn biệt thự liền kề tại KĐT Văn Khê thì được anh chị cho biết một căn anh chị cho hoàn thiện, sửa sang để ở. Căn còn lại, anh chị có ý định để bán thô. Nhưng do đúng vào thời điểm thị trường BĐS trầm lắng, có muốn đầu tư để hoàn thiện rồi cho thuê lại cũng khó, vì ít ai lại chịu bỏ hơn chục triệu đồng để thuê nhà ở khu vực xa trung tâm như thế này. Nhà để không lãng phí nên anh chị quyết định cứ để thô rồi cho thuê rẻ, vừa có ít tiền, có người trông nom, dọn dẹp sạch sẽ, đỡ phải lo nhà xuống cấp, ngập trong cỏ dại, rác bẩn…

Người thuê nhà anh Thái, chị Phương là vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành, chị Nguyễn Thị Xuân Mai. Trước khi thuê ở đây, gia đình anh chị có thuê một cửa hàng rộng chừng 20m2 tại mặt đường Tô Hiệu, Q.Hà Đông để kinh doanh sửa xe và cũng là để ở với giá thuê hơn 8 triệu/m2. Được biết, tại KĐT này có cho thuê biệt thự bỏ hoang nên gia đình anh quyết định chuyển đến đây và thuê nhà 3 tầng với giá 5 triệu đ/một tháng, diện tích mặt bằng khoảng 120m2. Anh chị đã cải tạo một phần tầng 1 (tuy sơ sài, qua loa) để cả nhà có thể ở và sinh hoạt, đồng thời làm chỗ sửa xe, rửa xe. “Với diện tích này ở các khu khác đã hoàn thiện thì giá ít nhất cũng trên 15 triệu đ/tháng. Người có điều kiện kinh tế thì việc thuê đắt rẻ không thành vấn đề. Còn gia đình tôi khó khăn, chỉ cần có chỗ ở và làm ăn nên dù có là biệt thự bỏ hoang nhưng giá thuê rẻ và hợp lý là được. Gia đình tôi đến thuê được vài tháng, cũng thấy tạm ổn” - anh Thành chia sẻ.

Hay như anh Đỗ Văn Sơn quê ở Bắc Ninh lên Hà Nội lập nghiệp với nghề hàn cửa sắt cũng thuê lại căn hộ 3 tầng, diện tích hơn 80m2 từ người cô họ chỉ với giá 2 triệu đ/tháng. Với mức giá thuê ưu đãi như thế này thì đây đúng là “vị trí lý tưởng” để anh Sơn cùng gia đình tạm thời có chỗ trú mưa, tránh nắng và kinh doanh…

Điều dễ nhận thấy là phần các biệt thự cho thuê này vẫn ở trong trạng thái xây thô, tường không trát, tầng 1 được cải tạo một cách qua loa, để mấy bộ bàn ghế, căng bạt và treo biển hiệu chằng chịt với đủ loại kích cỡ, màu sắc. Việc cho thuê các biệt thự, nhà ở bỏ hoang được nhiều người đánh giá là giải pháp hợp lý nhất để tránh hoang hóa, đặc biệt là ngay lúc này, khi mà thị trường BĐS vẫn tiếp tục dậm chân tại chỗ, chưa có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, mặt tốt đã được thể hiện rõ (chủ nhà vừa có tiền, vừa có người trông nom giúp. Người thuê được nhà giá rẻ, không mất nhiều công đầu tư…), nhưng mặt trái của vấn đề nằm ở chỗ, liệu đây có phải là tiền đề để chủ đầu tư các căn nhà bỏ không này đua nhau cho thuê mà chẳng cần quan tâm đến việc hoàn thiện, vô hình trung góp phần tạo ra hình ảnh những KĐT hiện đại xen kẽ sự lộn xộn, nhếch nhác bởi “chiếc áo khoác kiến trúc” tạm bợ hay không? Chính vì thế, cũng cần phải có những chính sách hợp lý để khuyến khích, hỗ trợ các chủ đầu tư hay chủ nhà đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, ít nhất là cải thiện mặt tiền để dần nâng giá trị công trình lên đúng với tiêu chí KĐT hiện đại, văn minh.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng