UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng soạn thảo văn bản để UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung đối tượng mua nhà được phép vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng trong khi các đối tượng thuộc diện được vay vẫn đang đợi mòn mỏi.
Mở rộng đối tượng vay vốn 30.000 tỷ
Cụ thể, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng chỉ đạo NHNN chi nhánh Hà Nội thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thời hạn cho vay “tối thiểu là 10 năm” thay vì cứng nhắc ấn định thời hạn 10 năm, gây áp lực trả nợ đối với khách hàng.
Đặc biệt, Phó chủ tịch Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng soạn thảo văn bản trước ngày 15/8 để UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng, Bộ Xây dựng, NHNN xem xét bổ sung đối tượng là người đã ký hợp đồng mua nhà thu nhập thấp, nhà xã hội trước ngày 7/1/2013, hiện đang đóng tiền theo tiến độ dự án cũng được phép vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng.
Đồng thời, UBND Thành phố cũng sẽ kiến nghị Chính phủ nới thời hạn cho vay tối thiểu lên 15 năm, thay vì quy định tối thiểu 10 năm như hiện nay.
UBND Thành phố Hà Nội kiến nghị xem xét bổ sung thêm đối tượng được vay 30.000 tỷ là những người đã ký hợp đồng trước 7/1/2013.
|
Khách hàng thuộc diện vẫn dài cổ đợi vay
Tính chung trên địa bàn Hà Nội có 84 chi nhánh và sở giao dịch của 5 ngân hàng thương mại được phép cho vay hỗ trợ 30.000 tỷ.
Theo đó, sau hơn 2 tháng triển khai cho vay, tại Hà Nội có 53 khách hàng, trong đó có 1 doanh nghiệp, đã ký cam kết vay vốn với ngân hàng thương mại.
Còn tính chung trong cả nước, sau 2 tháng thực hiện, có 150 khách hàng tiếp cận được nguồn vốn 30.000 tỷ, trong đó có 139 khách hàng đã được giải ngân.
Nhìn chung, theo các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp và người dân thì tốc độ triển khai gói tín dụng này vẫn còn rất chậm chạp, các thủ tục tương đối phức tạp, làm khó người dân, nên mặc dù khách hàng thuộc diện được vay vốn nhưng vẫn phải chờ đợi "dài cổ", bị vướng mắc nhiều khâu, thậm chí chán nản mà bỏ cuộc. Bản thân NHNN, Bộ Xây dựng và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng thừa nhận điều này.
“Khi mới có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, nhiều người dân vội xếp hàng chờ được vay. Nhưng sau một thời gian, họ thất vọng vì thủ tục vay tiền rất khó. Nhiều ngân hàng đòi giấy đỏ của căn nhà mà người dân ký hợp đồng mua từ chủ đầu tư, trong khi việc cấp giấy này luôn có độ trễ.
Hơn nữa, giấy đỏ hoàn toàn không cần thiết trong trường hợp này” - ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nêu thực tế.
Các ngân hàng quyết tất
Mặc dù NHNN, Bộ Xây dựng là các đơn vị đưa ra điều kiện xét duyệt vay vốn 30.000 tỷ, nhưng các ngân hàng thương mại thực chất mới là nơi nắm quyền quyết định có cho khách hàng là người dân hay doanh nghiệp vay hay không.
Ngân hàng đóng vai trò là nơi hướng dẫn thủ tục, tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ, ký hợp đồng vay vốn và quan trọng nhất, ngân hàng thương mại chính là đơn vị thực hiện giải ngân gói tín dụng này.
Cũng bởi vậy mà tốc độ nhanh hay chậm, muốn giải ngân hay không muốn giải ngân, quy trình thực hiện như thế nào... đều phụ thuộc vào 5 ngân hàng đã được chỉ định.
Đã không ít lần người dân lên tiếng kêu ca về các thủ tục phức tạp. Cũng không ít lần NHNN và Bộ Xây dựng ra văn bản yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhưng thực chất, tốc độ vẫn "như rùa".
Theo báo cáo của 3 ngân hàng tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS, với khách hàng là doanh nghiệp, ngân hàng BIDV đã cho vay 23 dự án, Vietinbank cho vay 20 dự án. Chỉ riêng Vietcombank là chưa cho dự án nào vay cả.
Với khách hàng là cá nhân, Vietinbank đã ký hợp đồng với 66 khách hàng, Vietcombank ký hợp đồng với 50 khách hàng, BIDV, Agribank, MHB đã ký tổng cộng 34 hợp đồng.
"Chúng ta khởi động chậm thì giai đoạn sau phải chạy nhanh. Bây giờ khởi động chậm mà chạy cũng chậm thì bao giờ mới đến đích" - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: