Top

Thị trường bất động sản:

Khó nhưng “ló” nhiều triển vọng

Cập nhật 01/06/2012 14:20

Ngày 31.5, tại TP.Hồ Chí Minh, Báo Lao Động, Hiệp hội Bất động sản VN đã tổ chức hội thảo “Vực dậy thị trường bất động sản” với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN Nguyễn Trần Nam cùng sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia, giới báo chí và các DN quan tâm. Tại hội thảo, các chuyên gia đã hiến nhiều kế sách khả thi ngõ hầu vực dậy một nguồn lực kinh tế trọng yếu của đất nước trong tương lai gần.


Theo tinh thần của hội thảo, thị trường BĐS hiện nay đang lâm vào tình cảnh khó khăn rất lớn, làm ảnh hưởng đến các ngành phụ trợ như vật liệu xây dựng, xây dựng... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tình hình kinh tế vĩ mô đang có những chuyển biến tích cực, chắc chắn sẽ tác động thuận lợi lên thị trường BĐS.

BĐS khốn đốn, nhiều ngành khác lao đao

Tham dự và chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam. Cùng tham dự còn có đại diện Bộ Tài chính, các chuyên gia hàng đầu về kinh tế và đại diện 150 doanh nghiệp BĐS. Mở đầu cho hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, do ảnh hưởng của việc siết chặt tín dụng, trong những tháng đầu năm 2012, thị trường mất sức mua. Khoảng 100.000 DN ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, cầm hơi, đứng đầu là nhóm thương mại dịch vụ. Tiếp đến là nhóm ngành BĐS xây dựng, vật liệu xây dựng. Hậu quả là nguồn thu giảm rõ rệt. Nhà nước, Chính phủ đã nhìn thấy vấn đề và đã có giải pháp ban đầu. Vấn đề hiện nay phải hành động quyết liệt tức thời bên cạnh các giải pháp lâu dài. Giải pháp cấp bách là tạo đầu ra các lĩnh vực, trong đó có BĐS. Tình trạng này có thể gây hậu quả kéo dài cho những năm tiếp theo.

Nhóm ngành BĐS và các ngành liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng vốn được xem là nhóm ngành kinh tế động lực nhưng hiện nay đang điêu đứng. Theo số liệu Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cung cấp, ngành sản xuất ximăng bình thường tồn kho trên dưới 1 triệu tấn nhưng hiện nay là 3 triệu tấn, đó là chưa tính số tồn kho ở các đại lý. Vật liệu ốp lát tồn đọng khoảng 50 triệu mét vuông, tương đương trên 2 tháng sản xuất; kính xây dựng cực kỳ căng thẳng, tồn kho 5 tháng sản xuất và đang trong tình trạng rất nguy cấp; thép tồn kho 225.000 tấn. Hiện nay một số nhà máy ximăng đã đóng cửa. Không chỉ khó khăn về kinh tế, sự giảm phát của một số ngành kinh tế động lực trong nhóm ngành BĐS dẫn đến tình trạng NLĐ không có việc làm hoặc chỉ làm cầm chừng.


Bất công cho bất động sản

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng: “Tình hình khó khăn của doanh nghiệp BĐS ai cũng cảm nhận được. Chính Nhà nước cũng cảm nhận được. Trong năm 2011, có đến 90% DN bị thua lỗ”. Cũng theo ông Lê Hoàng Châu: “BĐS là nền tảng của nền kinh tế nhưng hiện nay hàng tồn kho rất lớn, cần phải có giải pháp tức thời. Chính phủ đã có Nghị quyết 13, nghị quyết này đi vào cuộc sống rất nhanh. Tuy nhiên, thật bất công là BĐS không thuộc nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi. Tại sao BĐS lại bị coi là con ghẻ(?!). Chúng tôi đề nghị bổ sung nhóm ngành BĐS vào nhóm đối tượng được dãn, miễn thuế như Nghị quyết 13 quy định”.

Ông Lê Hoàng Châu còn đề nghị cần có các giải pháp đối với một số chính sách đất đai để làm thế nào doanh nghiệp BĐS không phải mua đất 2 lần như hiện nay; hạ mặt bằng lãi suất hoặc khống chế trần lãi suất cho vay đối với DN BĐS. Ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Cty TNHH TM dịch vụ Lê Thành kiến nghị: “Giảm thuế 30% cho DN BĐS và dãn thuế cho DN. Bởi, có nhiều DN đã bán hàng từ nhiều năm trước nhưng đến năm nay mới quyết toán thuế. Trong tình cảnh hiện nay, chẳng có DN nào có tiền để nộp vì tiền đã kẹt hết vào trong hàng tồn kho”.

Tín hiệu vui


Theo một số tham luận của các chuyên gia hàng đầu về kinh tế trong những tháng cuối năm 2012 tình hình sẽ dễ thở hơn. Đây là một tin tốt lành cho ngành BĐS và các ngành liên quan. Về nguồn vốn, theo nhận định của đại diện Ngân hàng ACB, các ngân hàng đang có cuộc đua giảm lãi suất huy động và cho vay. Cho vay mua nhà từ 20%/năm giảm xuống còn 16%, riêng đối với ACB là 15%.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động thấp dòng tiền có xu hướng chuyển sang kênh đầu tư khác, trong đó BĐS là sáng giá nhất. Đứng ở tầm vĩ mô, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay đang âm 0,76%, như vậy đóng băng tín dụng là khá triệt để, suy kiệt nguồn vốn. Với tình trạng này có thể giết chết bất cứ nền kinh tế nào.

Ông cho biết thêm, trong tuần tới Ngân hàng Nhà nước trình đề án, cho vay mới. Theo đó sẽ khoanh nợ cũ cho những DN nào có khả năng tồn tại và phát triển; xóa nợ bằng dự phòng rủi ro. Mua bán nợ....Cũng theo TS Nghĩa, năm 2011 trong bối cảnh lạm phát tăng cao, hai “thanh kiếm” tài khóa và tiền tệ đều bó tay. Năm nay lãi suất thấp, lạm phát đã được kiểm soát, hai “thanh kiếm” tài khóa và tiền tệ sẽ có cơ hội phát huy. TS Lê Xuân Nghĩa dự đoán, cuối năm 2012 nền kinh tế sẽ có dấu hiệu hồi phục, trực tiếp tác động lên thị trường BĐS. Ông Nghĩa cho biết thêm: “Chưa bao giờ Chính phủ quan tâm đến BĐS như bây giờ, có hẳn một chương trình cho thị trường BĐS vì đó là thị trường nền tảng”.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động