Top

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam:

Dự kiến 500.000 tỉ đồng sẽ được giải ngân

Cập nhật 01/06/2012 14:10

PV Lao Động đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam (ảnh) xung quanh các vấn đề liên quan đến các giải pháp giải cứu thị trường BĐS.


* Thưa ông, theo ông đâu là nguyên nhân chính đưa thị trường BĐS lâm vào tình cảnh khó khăn như hiện nay. Lỗi là do DN, chính sách, hay cơ quan quản lý?


- Trước hết tôi xin khẳng định, để thị trường như hiện nay là do chúng ta phát triển các dự án thiếu kế hoạch. Quy hoạch một số tỉnh, thành phố lớn đều có thời gian quy hoạch trong từ 10-30-40 năm, nhưng tại nhiều địa phương cho đến thời điểm này, trên sổ sách đã giao hết đất cho các dự án nên không đủ nguồn lực để thực hiện và không cân đối với nhu cầu. Bên cạnh đó là lỗi của các địa phương và DN. Các DN phát triển dự án mang tính tự phát; không kiểm soát được nguồn vốn, dòng tiền; không sử dụng vốn đúng mục đích; cơ cấu hàng hóa không thích hợp; chọn phân khúc thị trường không chuẩn xác... Nguồn vốn hiện nay vẫn trông chờ vào ngân hàng, lãi suất cao nên khó khăn là khó tránh khỏi.

Mặt khác, chúng ta vẫn chưa có cái nhìn đúng về thị trường BĐS. Cho đến bây giờ tôi vẫn không tán thành với việc đưa BĐS vào nhóm phi sản xuất. Hậu quả là thị trường khó khăn, kéo theo các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, các nhà thầu xây lắp, các lĩnh vực kinh doanh đồ trang trí nội thất và phụ trợ, đặc biệt người lao động ảnh hưởng rất nặng nề. Ximăng từ trước đến nay mức tồn kho chỉ trên dưới 1 triệu tấn, nhưng hiện nay mức tồn kho là 3 triệu tấn, chưa tính số tồn kho ở các đại lý. Vật liệu ốp lát tồn đọng khoảng 50 triệu mét vuông, tương đương trên 2 tháng sản xuất. Tình hình kính xây dựng cũng cực kỳ căng thẳng, tồn kho đến 5 tháng sản xuất, vốn không được luân chuyển. Thép tồn kho 225.000 tấn. Một số nhà máy ximăng lớn đóng cửa... Lượng tài sản cố định không được phát huy, công nhân mất việc. Các Cty xây lắp không dám làm vì làm là bị nợ. Việc cần làm là cần phải nhận thức đúng hơn với thị trường BĐS.

* Vậy theo ông, giải pháp cần thiết nhất để vực dậy thị trường BĐS lúc này là gì?

- Về dài hạn, Nhà nước đã có chủ trương sửa đổi hành lang pháp lý cho thị trường BĐS, cụ thể là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS..., trong đó đặc biệt lưu ý kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch phát triển đô thị phù hợp với các nguồn lực và nhu cầu của xã hội. Về lâu dài, chúng ta phải tạo được nguồn lực tài chính dài hạn và ổn định cho thị trường BĐS. Theo đó, bên cạnh nguồn tín dụng của các ngân hàng, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ 2 đề án: Một quỹ tiết kiệm cho người thu nhập thấp có sự hỗ trợ của Nhà nước và một quỹ tiết kiệm cho người trung lưu, thu nhập khá góp phần tạo thêm nguồn cầu cho thị trường. Song song với đó là chính sách phát triển nhà ở cho thuê vừa mang tính hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời mang tính bắt buộc vì hiện DN chưa mặn mà với phân khúc này do chưa có chính sách pháp lý cho nhà cho thuê, điều chỉnh lại cơ cấu hàng hoá BĐS cho phù hợp điều kiện KTXH của từng giai đoạn và khả năng thanh toán của người dân.

Bộ Xây dựng cũng đã có thư gửi cho 2 đồng chí bí thư 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM và đi kèm là 2 bản dự thảo chương trình phối hợp hành động, đẩy mạnh chương trình nhà ở của 2 thành phố lớn.

Tuy nhiên, đó là giải pháp dài hạn, giải pháp cấp bách trước mắt muốn vực dậy được thị trường, DN vẫn cần phải chủ động tham gia vào các cơ chế giải pháp của Chính phủ. Nghị quyết 13 tuy chưa đủ mạnh nhưng cũng đã góp phần giải quyết khó khăn cho DN, chứng tỏ sự quan tâm rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đề xuất đưa một số DN BĐS vào diện tháo gỡ của Nghị quyết 13. Hiện Bộ Xây dựng đang chuẩn bị báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình BĐS và các hệ lụy và kiến nghị đưa một số dự án và DN BĐS vào đối tượng được hưởng và tháo gỡ từ Nghị quyết 13, ví dụ đề xuất như đưa một số giao dịch BĐS vào diện miễn và giảm VAT; nhà ở thương mại dưới 90m2, giá bán dưới 20 triệu đồng sẽ được hưởng thuế suất VAT 5%... Tất nhiên đây chỉ là những đề xuất, còn phải phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ.

Một giải pháp hết sức quan trọng khác là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Trong kế hoạch từ nay đến cuối năm phải giải ngân vốn đầu tư ngân sách 120.000 tỉ trên tổng số 180.000 tỉ. Số tiền này ra thị trường là rất tốt. Một nguồn vốn khác là trái phiếu chính phủ. Hiện mới giải ngân 7.000 tỉ, trong khi trong kế hoạch của năm 2012 phải giải ngân 45.000 tỉ, như vậy còn 38.000 tỉ trái phiếu chính phủ sẽ giải ngân trong 7 tháng cuối năm. Ngoài ra còn 17.000 tỉ đầu tư khác từ các nguồn viện trợ ODA... Tính tổng các khoản này, nguồn vốn phải giải ngân lên xấp xỉ 200.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch phải tăng trong năm 2012 là 15-17%, tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang tăng trưởng âm, vì vậy trong 7 tháng còn lại của năm, mỗi tháng phải tăng ít nhất 2%. Và như vậy với mức tăng trưởng chỉ 14-15% thôi sẽ tương đương 300.000 tỉ đồng. Cộng cả 2 khoản này chúng ta có tới 500.000 tỉ đồng. Số tiền này tung ra thị trường sẽ có tác động rất lớn, góp phần phục hồi nền kinh tế. Đấy là chưa kể nguồn đầu tư từ người dân còn tiềm tàng rất lớn, nguồn vốn FDI...

* Với những tín hiệu tốt như trên, theo ông, liệu thị trường BĐS có khởi sắc vào cuối năm nay?

- Đang có thông tin được xác nhận từ ngành ngân hàng là chúng ta đang thừa vốn, không cho vay được. Trong khi hiện hơn 20 tỉ USD trong dân đang được đầu tư vào vàng, USD, gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, do lãi suất NH đang xuống, kinh doanh vàng và ngoại tệ đang bị siết lại nên dự báo dòng vốn của người dân sẽ bắt đầu hướng vào BĐS. Một yếu tố khác cũng rất tích cực cho thị trường đó là nhu cầu mua sỉ để giải quyết nhu cầu nhà ở cho CBCNV của các DN đang rất lớn. Chính quyền một số địa phương cũng có chủ trương mua lại một số dự án BĐS phục vụ nhu cầu tái định cư... Và như vậy về ngắn hạn, tôi cho rằng có thể hy vọng thị trường sẽ khởi sắc trở lại.

Xin cảm ơn ông!


DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động