Những con đường làng được bê tông hóa ngày một nhiều, những bức tường đá ong xưa kia cũng đang được thay thế bằng những bức tường mới... điều này đang làm cho kiến trúc làng cổ Đường Lâm bị thay đổi.
Những bức tường đá ong tại làng cổ Đường Lâm (Ảnh: Báo Đất việt) |
Phá là vì "cực chẳng đã"...
Làng cổ Đường Lâm là một di sản Văn hóa quốc gia thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Khi nhắc đến tên ngôi làng trong tiềm thức mỗi người thường nghĩ đến một làng quê Bắc Bộ với cây đa, bến nước, sân đình - những biểu tượng đặc trưng nhất của nông thôn Việt Nam.
Nhưng hiện nay do cuộc sống của người dân ngày một đổi mới, kiến trúc làng cổ cũng đang bị thay đổi theo. Quá trình xây dựng nông thôn mới tại Đường Lâm mặc dù chưa thực sự bắt đầu nhưng đã bắt nguồn từ nhu cầu bức thiết trong cuộc sống của mỗi người dân.
Là một hộ dân làng Đường Lâm, ông Nguyễn Ngọc Lê đã gắn bó với ngôi nhà cổ do tổ tiên để lại đã gần 80 năm. Hiện ông có 4 đứa con trai, trong đó có 2 đứa đã lập gia đình và đang ở cùng ông. Vốn dĩ thành viên gia đình đông, ông Lê lại chỉ có một căn nhà duy nhất vì vậy cực chẳng đã ông đành phá khu vườn cổ, sau đó ngăn làm đôi xây nhà mới cho con ông tách hộ. Giờ đây không gian ngôi nhà ông Lê không còn nguyên vẹn là nhà cổ nữa.
Ông Lê cho biết, ông "cũng muốn giữ nhà cổ, nhưng bây giờ con cái không có đất ở nên tôi đành phải cắt cái nhà thành hai”.
Phá thì tiếc nhưng so với nhà chị Phí Thị Quyên ở xóm dưới, gia đình nhà ông Lê vẫn còn may mắn hơn nhiều. Trước đây gia đình nhà chị Quyên có 4 người nhưng rồi chị và các anh chị em lập gia đình, sinh con đẻ cái, nay nhà có tới 10 nhân khẩu. Người càng ngày càng đông, nhưng nhà và đất lại không thể sinh sôi, vì vậy bằng từng ấy con người nhà chị Quyên phải sống trong ngôi nhà cổ của mình đã 6 năm nay.
Mỏi mòn chờ đất giãn dân
Theo quy định của chính quyền, vì là nhà cổ nên phải giữ nguyên. Nên nhà chị Quyên muốn xây lại cũng không được, sửa sang cũng không xong và việc phá đi xây mới lại càng không.
Trước thực tế như vậy, chị Quyên đã làm đơn xin cấp đất giãn dân. Nhưng cả mấy năm liền lá đơn của chị không có hồi âm. Dường như lá đơn đó đã bị cũ như chính ngôi nhà của chị vậy.
“Gia đình sống đông đúc cũng có nhiều khó khăn và phức tạp nên gia đình cũng làm đơn để ủy ban xã cấp đất, làm lâu rồi mà xã cũng không có ý kiến gì. Cấp đất lâu quá anh em chúng tôi mới chia ra mỗi người một góc”, chị Quyên nói.
Không kiên nhẫn được như chị Quyên, hiện tại không ít gia đình tại làng Đường Lâm đã bất đắc dĩ phải phá bỏ nhà, tường cũ để xây mới vì không thể cứ chờ đợi một khu đất mà đến giờ nó vẫn bặt tăm, còn nhu cầu cuộc sống thì chẳng chịu đợi ai.
Làm dâu ở Đường Lâm đã hơn nửa thế kỷ, chứng kiến biết bao nhiêu đổi thay của ngôi làng này, bà Phan Thị Vân không khỏi tiếc nuối những gì đang diễn ra.
“Những bức tường ngày xưa cũ kỹ quá nên người dân đã phá đi để xây lại, tôi thấy có nhiều nhà phá lắm vì lâu năm, lâu đời quá rồi. Nhưng nghĩ lại cũ bao giờ cũng vẫn đẹp hơn, có giá trị hơn vì Đường Lâm gọi là làng cổ đã được nhà nước đã công nhận cơ mà. Bây giờ mà phá đi sẽ không còn cái gì để lại làm di tích lịch sử của làng văn hóa nữa”, bà Vân tiếc nuối nói.
Được biết, vào năm 2010 UBND thành phố Hà Nội đã có thỏa thuận về đất giãn dân cho người dân Đường Lâm và giao cho thị xã Sơn Tây đảm nhiệm. Tuy nhiên đến cho đến tận bây giờ, khu giãn dân vẫn chưa có tiến độ, chỉ có một thứ duy nhất đạt tiến độ ở đây đó chính là những bãi cỏ xanh đang ngày càng tươi tốt.
Vẻ đẹp của làng cổ Đường Lâm đã từng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Kiến trúc đá ong đã trở thành một hiện tượng kiến trúc độc đáo của làng Việt. Thế nhưng những gì đang diễn ra tại đây, đang bị mất đi từ ngôi làng cổ có tiếng này, cho thấy kiến trúc nông thôn vẫn là một lĩnh vực thiếu sự quan tâm và định hướng.
DiaOcOnline.vn - Theo VTV
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: