Chậm bàn giao nhà do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng của các chủ đầu tư đã khiến quỹ nhà tái định cư của thành phố Hà Nội luôn trong tình trạng thiếu hụt. Còn trong quá trình đầu tư xây dựng và quản lý các công trình tái định cư ở Hà Nội đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập làm ảnh hướng đến hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và kỷ cương pháp luật.
Theo thống kê, Hà Nội có tỷ lệ nhà chung cư cao nhất cả nước lên tới 16,64%. Còn trong báo cáo giám sát công bố tại phiên họp của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội sáng 3/12, trên địa bàn thành phố có 320 nhà chung cư mới xây dựng từ năm 2001 đến nay, cao từ 6 đến 48 tầng, đã đưa vào sử dụng.
Thành phố có 149 tòa nhà chung cư tái định cư, với hơn 12.500 căn hộ như khu đô thị tái định cư Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), khu tái định cư phường Trần Phú (quận Hoàng Mai), Nhà ở CT1 khu đô thị mới Bắc Linh Đàm, Nhà ở CT1-CT2 khu nhà ở Hoàng Văn Thụ; Dự án tại Phú Diễn (huyện Từ Liêm).
Hiện nay hầu hết các dự án tái định cư đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận quy hoạch kiến trúc nhưng triển khai rất chậm. Một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư nhưng sau đó lại chuyển đổi mục đích xây dựng.
Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn, Hà Nội 149 nhà chung cư tái định cư đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng nhưng công tác quy hoạch các khu tái định cư chưa đáp ứng được kế hoạch lâu dài của các dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Việc bố trí, phân bổ các địa điểm tái định cư cũng chưa đáp ứng được nhu cầu sắp xếp lại dân cư.
Một vấn đề tồn tại nữa trong công tác quản lý nhà tái định cư là chủ đầu tư chỉ thực hiện nhiệm vụ xây lắp xong, giá bán do thành phố quyết định và bàn giao cho đơn vị khác quản lý, vận hành dẫn đến không rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc đảm bảo chất lượng, phương án thu hồi vốn cũng như trách nhiệm của công ty quản lý nhà và người dân táiđịnh cư.
Bên cạnh đó, giá bán nhà tái định cư thấp hơn giá thị trường dẫn đến dù không có nhu cầu ở, các hộ dân đủ điều kiện và có thể nhận đền bù bằng tiền vẫn đăng ký mua nhà dẫn đến tình trạng nhu cầu tái định cư “ảo”.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố đang phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc về việc bố trí, cân đối quỹ nhà táiđịnh cư. Hàng năm, các quận, huyện và các chủ đầu tư đăng ký sử dụng quỹ nhà tái định cư rất lớn vào khoảng 5.000 căn hộ mỗi năm, nhưng thực tế sử dụng chỉ khoảng 1.000 căn hộ mỗi năm do không hoàn thành tiến độ giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, một số quận, huyện thực hiện giải phóng mặt bằng chậm lấy lý do thiếu quỹ nhà tái định cư, tạo áp lực cho thành phố trong việc bố trí, cân đối quỹ nhà này.
Do đó, thời gian tới, thành phố yêu cầu Quỹ Đầu tư phát triển, Sở Tài chính, Sở Xây dựng thực hiện ngay việc bố trí và điều hòa vốn cũng như quỹ nhà, quỹ đất xây dựng nhà chung cư tái định cư; khẩn trương hoàn chỉnh cơ chế, chính sách thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư trên địa bàn, báo cáo UBND TP quyết định trong quý 4/2012.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 16 khu nhà ở tái định cư mới. Trong đó, 7 khu đã được thành phố giao chủ đầu tư với diện tích đất khoảng 147ha, tổng nguồn vốn dự kiến để thực hiện giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khoảng 2.881 tỷ đồng; 3 dự án đã giao lập kế hoạch trên tổng diện tích đất 95ha, với tổng nguồn vốn 1.862 tỷ đồng; còn lại 6 khu chưa giao chủ đầu tư với diện tích đất khoảng 177ha.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: